------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong sách Khải Huyền
(2) Tôi lại thấy
một thiên thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi
lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền
phá hại đất liền và biển cả,
(3) rằng:
"Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn
trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta."
(4) Rồi tôi nghe
nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được
đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en.
(9) Sau đó, tôi
thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi
chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình
mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.
(10) Họ lớn tiếng
tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con
Chiên đã cứu độ chúng ta."
(11) Tất cả các
thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ
đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô (12) rằng:
"A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự
khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời!
A-men!"
(13) Một trong
các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: "Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ
từ đâu đến?"
(14) Tôi trả lời:
"Thưa Ngài, Ngài biết đó." Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã
đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo
mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7. 2-4, 9-14)
------------
BÀI ĐỌC II ------------
Lời
Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ
(1) Anh em hãy
xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là
con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian
không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
(2) Anh em thân
mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy
chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên
giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
(3) Phàm ai đặt
hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch
như Người là Đấng
thanh sạch. (I Ga 3, 1-3)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
(1) Thấy đám
đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.
(2) Người mở miệng
dạy họ rằng:
(3) "Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
(4) Phúc thay ai
hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
(5) Phúc thay ai
sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
(6) Phúc thay ai
khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
(7) Phúc thay ai
xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
(8) Phúc thay ai
có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
(9) Phúc thay ai
xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
(10) Phúc thay
ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
(11) Phúc thay
anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
(12) Anh em hãy
vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. (Mt
5, 1-12)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Bát Phúc là con đường nên thánh.
- Có một chú sư
tử con, vì mẹ mất sớm, nên ở chung với một đàn dê. Chú thích nghi với hòan cảnh
và sinh sống như một con dê. Cho tới một hôm, Chúa Sơn Lâm đi ngang qua cánh đồng;
bầy dê bỏ chạy tán lọan, chú sư tử con cũng cắm đầu chạy theo chúng. Chúa Sơn
Lâm lấy làm lạ về hành động của chú sư tử con, nên vội chạy theo bắt lấy. Khi bắt
kịp chú, Chúa Sơn Lâm đưa chú sư tử con ra bờ suối và bảo nó: Hãy nhìn xuống suối
coi, mày cũng là con của Chúa Sơn Lâm, tại sao mày hốt hỏang bỏ chạy như những
con dê nhút nhát đó?
- Chúng ta đã được
tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, và là người nhà của tất cả các
thánh chúng ta mừng hôm nay. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Đây
là dịp thuận tiện để chúng ta xét mình soi gương xem chúng ta đã nên giống hình
ảnh Thiên Chúa và các thánh chưa. Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta xét mình.
- Bài đọc I nhắc
nhở chúng ta: Các thánh là những người trung thành với Thiên Chúa sau khi đã trải
qua những cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu
Con Chiên. Bài đọc II nhắc nhở chúng ta ơn gọi làm con Chúa mà chúng ta đã lãnh
nhận trong Ngày Rửa Tội. Chúng ta đã làm vinh danh Cha thế nào trong cuộc sống?
Phúc Âm dạy chúng ta con đường chắc chắn để nên thánh: sống theo Bát Phúc.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao.
[1.1] Thị kiến thứ nhất: Những người được
đóng ấn. Trước khi các thiên thần tàn phá thế giới, các tôi tớ của Thiên Chúa
còn sống được đóng ấn. Thị kiến tường thuật một trăm bốn mươi bốn ngàn người được
đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Israel. Đây chỉ là con số biểu tượng, không
phải chỉ có bấy nhiêu người được cứu thóat.
[1.2] Thị kiến thứ hai: Một đoàn người
thật đông không tài nào đếm nổi. Họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi
ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm
nhành lá thiên tuế. Hai điều những người này tuyên xưng:
(1) Thiên Chúa
Cha: "Chính Thiên Chúa chúng ta là Đấng ngự trên ngai.”
(2) Con Chiên là
Đức Giêsu Kitô: “Chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.”
Tất cả các thiên
thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ-mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp
mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng:
"A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự
khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời!
A-men!"
[1.3] Các Thánh là đòan người áo trắng:
Một trong các Kỳ-mục lên tiếng hỏi tôi: "Những người mặc áo trắng kia là
ai vậy? Họ từ đâu đến?" Tôi trả lời: "Thưa Ngài, Ngài biết đó."
Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn
lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” Các thánh là những
người đã sống một cuộc đời như Chúa dạy. Họ đã từ bỏ lối sống ích kỷ của bản
thân, hy sinh chấp nhận mọi gian khổ ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên
Chúa.
[2] Bài
đọc II: Ơn gọi của người Kitô hữu là trở nên thánh.
(1) Ơn gọi làm
con Thiên Chúa: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một
của mình, để những ai tin vào Người Con thì được làm con Thiên Chúa (Jn 1:13),
và được ơn Cứu Độ (Jn 3:16). Chúng ta không phải là con của thế gian: “Sở dĩ thế
gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”
(2) Phần thưởng
của những người con Chúa: Đã là con thì cũng là những người thừa kế gia tài. Phần
thưởng cho những người con Chúa là cuộc sống đời đời mai sau và mọi vinh quang
mà Đức Kitô được thưởng từ Thiên Chúa Cha. “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta
là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì
Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”
(3) Bổn phận của
những người con Chúa: Nếu đã có quyền thì cũng phải chu tòan bổn phận. Thánh
Gioan tuyên bố: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên
thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.”
[3] Phúc
Âm: Bát Phúc là con đường nên thánh.
Chúng ta sẽ dùng
Bát Phúc như tiêu chuẩn để so sánh 3 lối sống: (1) của Chúa Giêsu, của các
thánh, và của theo thế gian.
(1) “Phúc thay
ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Khi được các môn đệ hỏi:
“Thưa Thầy! Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Cáo có hang, chim có tổ, Con Người
không có chỗ dựa đầu.” Thánh Phanxicô Khó Khăn, mặc dù là con một thương gia
giàu có ở Assissi, noi gương Chúa Giêsu, tuột quần áo trả lại cho cha để đi
theo Đức Kitô sống cuộc đời khó nghèo. Trước mắt thế gian đó là điều dại dột,
vì ai cũng muốn sống sung túc giấu có.
(2) “Phúc thay
ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” Người xưa dạy: “Mắt đền mắt,
răng đền răng; còn Ta, Ta dạy: Ai tát má bên này thì đưa cả má bên kia nữa.”
Trong Cuộc Thương Khó, Chúa đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết.
Thánh Phanxicô Salêsiô, mặc dù mang bản tính nóng như lửa trong người, đã noi
gương Đức Kitô trở thành người hiền lành và khiêm nhường. Trước mắt thế gian,
hiền lành đồng nghĩa với khù khờ để người khác lợi dụng.
(3) “Phúc thay
ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Trong Vườn Cây Dầu, Đức Kitô đau
buồn kêu lên: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết; anh em hãy tỉnh thức cầu
nguyện với Thầy.” Mẹ Thánh Augustin, Monica, cả cuộc đời đổ bao nhiêu nước mắt
khóc thương chồng và con. Sau cùng, Chúa đã cho chồng trở lại đạo trên giường bệnh,
Chúa đã cho Augustin ăn năn trở lại và làm thánh. Người đời cho những ai muốn
chịu đau khổ là điên, vì ai cũng tìm các trốn tránh các đau khổ cả.
(4) “Phúc thay
ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.”
Chúa Giêsu thẳng thắn tuyên bố: “Ta đến từ Trời, không phải để làm theo ý Ta,
nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.” Cả cuộc đời của Ngài là cuộc đời làm theo
ý Thiên Chúa. Thánh Thomas More, khi bị bắt phải nói dối đã khẳng khái tuyên bố:
“Chết thì chết chứ không nói sai thành đúng.” Người đời cho sống công chính là
“sĩ diện hão,” vì ai cũng phải sống luồn lách quanh co để đạt những gì mình muốn.
(5) “Phúc thay
ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Chúa Giêsu xót xa
khi nhìn các bệnh nhân, và Ngài chữa lành họ. Ngài thương dân thành Giêrusalem,
muốn che chở họ như gà mẹ che chở đàn con dưới cánh, nhưng họ đã khước từ tình
yêu của Ngài. Thánh Martinô đã thương bệnh nhân đến độ đem về phòng cho nằm
trên giường mình mà chăm sóc. Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã dành cả cuộc đời để
săn sóc người nghèo. Thế gian cổ võ việc phải lo cho bản thân mình trước hết với
câu chữa mình: “Tôi thương xót người rồi ai thương tôi?”
(6) “Phúc thay
ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã
thách thức các đối phương trong Cuộc Thương Khó: “Ai trong các ngươi có thể buộc
Ta về tội gì?” Thánh Maria Goretti đã thề chết chứ không để người anh họ hãm hiếp.
Giới trẻ hôm nay cho truyện ăn ở trước hôn nhân là chuyện bình thường, và chế
nhạo những trẻ nào giữ mình trinh khiết là “homeboy, homegirl.” Mấy người mẹ
hôm nay dám khuyên con: “Mẹ chẳng thà thấy con chết trước mặt mẹ hơn là phạm tội
trọng mất lòng Thiên Chúa!”
(7) “Phúc thay
ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã dùng
cái chết của Ngài trên Thập Giá để hòa giải người Do-Thái và Dân Ngọai nên một;
đồng thời hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh Bernadino thành Sienna cũng
noi gương Chúa làm cho con người hòa giải với nhau. Thế gian cho thái độ tha thứ
thuận hòa là ngu dốt vì để người khác lợi dụng mình; được đàng chân họ sẽ leo
lên cả đầu! Hậu quả là nạn ly thân, ly dị, và chiến tranh dưới mọi hình thức
lan tràn.
(8) “Phúc thay
ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi
vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy
vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Chúa
đi trước vác Thập Giá lên đồi Canvê để chết thay cho con người. Biết bao các
thánh tử đạo thuộc mọi thời đại cũng anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu;
trong số đó có 118 vị tử đạo của quê hương Việt-Nam chúng ta. Thánh Anrê Phú
Yên, trước khi chết, đã khuyên giáo dân: “Chúng ta phải lấy tình yêu đáp trả lại
tình yêu và lấy mạng sống đáp trả lại mạng sống.” Trong khi đó, cũng có biết
bao người phản bội và không dám đổ máu đào để làm chứng cho Chúa. Họ vịn cớ: chỉ
cần tin Chúa trong lòng là đủ.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đau khổ trong
cuộc đời không thể thiếu để thanh luyện chúng ta như lửa thử vàng. Chỉ khi nào
biết chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta mới chứng tỏ đức
tin và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài.
- Trở lại câu
truyện chú sư tử con, chúng ta là thiên tử, là con cái Chúa. Hãy sống xứng đáng
với ơn gọi của mình; đừng chốn chui chốn nhủi như những con của bóng tối, của
thế gian và ma quỉ. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và cuộc sống
thánh thiện làm chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa hơn.
- Ơn gọi nên
thánh là của tất cả mọi người. Bát Phúc là con đường nên thánh tuyệt hảo. Mọi
người phải cố gắng sống cả Bát Phúc; tuy nhiên, sống một phúc cũng đủ để chúng
ta nên thánh rồi.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaNếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.
Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,
mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.
Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình...
Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.
Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.
Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.
Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”
Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.
Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.
Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.
Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org