17 tháng 10, 2014

Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên - Lễ Thánh Lucas Thánh Sử

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ti-mô-thê

(9) Anh hãy mau mau đến với tôi,
(10) vì anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thê-xa-lô-ni-ca. Anh Cơ-rét-xen đã đi sang miền Ga-lát, anh Ti-tô đi sang miền Đan-ma-ti-a.
(11) Chỉ còn một mình anh Lu-ca ở với tôi. Anh hãy đem anh Mác-cô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi.
(12) Anh Ty-khi-cô thì tôi đã sai đi Ê-phê-xô.
(13) Cái áo choàng tôi đã để lại nhà anh Các-pô ở Trô-a, thì khi đến, xin anh đem theo, cũng như các sách vở, nhất là những cuộn giấy da.
(14) A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ; Chúa sẽ cứ việc anh ta làm mà trả báo.
(15) Cả anh nữa, cũng hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẽ chống lại lời chúng ta rao giảng.
(16) Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.
(17) Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. (2 Tm 4, 9-17a)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.
(2) Người bảo các ông:
(3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.
(4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.
(5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"
(6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.
(7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.
(8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.
(9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông." (Lc 10, 1-9)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành viết và rao giảng Tin Mừng.

Thánh Lucas không phải là người Do-thái. Ngài được đề cập riêng khỏi những người Do-thái (Col 4:14), và kiểu mẫu viết văn chứng tỏ ngài là người Hy-lạp. Vì thế, ngài không thể nào bị đồng nhất với ngôn sứ Lucius của Acts 13:1 hay Lucius của Romans 16:21, người đồng hương của Phaolô. Epiphanius không đúng khi gọi ngài là một trong số 72 môn đệ. Ngài cũng không phải là người đồng hành với Cleopas trên hành trình Emmaus. Thánh Lucas có kiến thức nhiều về Bản Bảy Mươi (Septuagint) và truyền thống Do-thái mà ngài thu nhận được hoặc khi ngài đang là một tân tòng Do-thái hay sau khi ngài đã trở thành một Kitô hữu, qua việc giao tiếp với các tông-đồ và các môn đệ.

Ngài sinh sống tại Antioch, thủ đô của Syria. Ngài là một y sĩ, và Phaolô đã gọi ngài là “một y sĩ đáng yêu nhất” (Col 4:14). Thánh Lucas xuất hiện lần đầu tại Troas khi ngài gặp thánh Phaolô (Acts 16:8). Từ đó, ngài trở thành người bạn đồng hành cùng rao giảng Tin Mừng với Phaolô và viết Tin Mừng Thứ Ba cùng Công Vụ Tông Đồ. Ngài là bạn trung thành với Phaolô trong lần Phaolô bị giam lần cuối cùng như trình thuật hôm nay viết (2 Tim 4:7-11). Ba lần ngài được đề cập đến trong các Thư của Phaolô (Col 4:14; Phi 24; 2 Tim 4:11), ngài được kể tên cùng với Marcô. Điều này chứng minh Lucas quen thuộc với Marcô và Tin Mừng của ông. Lucas chắc cũng nhiều lần có cơ hội gặp Phêrô và giúp ông trong việc viết các Thư Phêrô bằng tiếng Hy-lạp.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Chỉ còn một mình anh Lucas ở với tôi.

[1.1] Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Sau khi đã làm chứng cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một thị kiến ban đêm để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa; đồng thời Ngài cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại Roma.

Phaolô viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô. Phaolô không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.

Đoạn văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.

[1.2] Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa: Nhìn lại cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự kiên trì phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong cũng như bên ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức Kitô, chẳng những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.

Phaolô nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”

[2] Phúc Âm: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."

[2.1] Khác biệt về văn bản: Theo Lucas, Chúa Giêsu không chỉ chọn 12 Tông-đồ, nhưng còn nhiều môn đệ khác, để huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong Lucas, có hai lần sai đi: Lần thứ nhất, Chúa Giêsu sai 12 tông đồ (Lk 9:1-6; Mt 10:1, 7-16; Mk 6:7-13). Lần thứ hai, chỉ có trong Lucas, theo trình thuật hôm nay: “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”

[2.2] Môn đệ là sứ giả mang Tin Mừng.

(1) Phải ý thức sứ vụ cuả mình: Chúa Giêsu biết những nguy hiểm người môn đệ phải đương đầu khi Ngài nói với các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Hai điều Ngài muốn đề phòng cho các ông:

- “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”: Đây là những thứ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng. Lo lắng quá nhiều về phương diện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng.

- “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”: Chúa Giêsu không dạy các môn đệ bất lịch sự hay sống cách biệt. Ngài chỉ muốn các môn đệ biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng để các ông đừng trò chuyện vô ích dọc đường, làm mất thời gian rao giảng (cf. 2 Kgs 4:29).

(2) Chấp nhận Tin Mừng là điều kiện để có bình an: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"” Điều này chứng tỏ Tin Mừng cứu độ được trao cách nhưng không cho mọi người. Theo Lucas, sự bình an này được liên kết với ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho mọi người (cf. 1:79, 2:14-29, 7:50, 8:48, 12:51, 19:38). Chấp nhận Tin Mừng là có bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” Điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây là sự bình an trong các môn đệ có năng lực làm cho người khác cũng cảm thấy được bình an.

[2.3] Môn đệ là sứ giả của Nước Trời.

(1) Đừng tìm kiếm những sự thế gian: Nhiều người nói “nếu không đem theo tiền bạc và bao bị thì lấy gì mà ăn.” Nói như thế là khinh thường sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài coi các môn đệ là những người làm cho Ngài, và “thợ làm đáng được trả công đời này” (1 Tim 5:18; cf. 1 Cor 9:7-14). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh: “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó.” Người rao giảng không được đòi hỏi, họ phải có khả năng ăn thức ăn của địa phương dâng tặng. Họ cũng không thể sống theo luật Kosher của Do-thái nữa. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn.

(2) Làm cho triều đại Thiên Chúa mau đến: Chúa Giêsu nhắc lại bổn phận chính của người môn đệ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."” Triều đại của Thiên Chúa đã đến với sự xuất hiện của Đức Kitô và các môn đệ loan báo Tin Mừng này đến cho mọi người.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta hãy noi gương hai thánh Lucas và Phaolô để biết hy sinh dành trọn cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng.

- Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng vì đó là những giá trị ngược lại với những giá trị của thế gian; nhưng ai bền vững đến cùng sẽ được cứu thoát.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
    Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (c. 2).
    Trong hành trình truyền giáo cuối cùng với thánh Phaolô (Cv 20, 5),
    Luca hẳn đã thấy những cánh đồng lúa chín ở mọi nơi,
    đang chờ nhiều người gặt hái gấp, kẻo lúa bị hư hoại.
    “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi…” (c. 3).
    Dù chưa bao giờ gặp mặt Đức Giêsu,
    nhưng Luca đã nghe được tiếng gọi sai đi của Ngài.
    Ông đã là cộng tác viên ở bên thánh Phaolô khi người ở tù (Plm 24),
    và đã một mình ở lại khi người bị giam lúc cuối đời (2 Tm 4, 11).

    Là người dân ngoại được đón nhận Tin Mừng,
    Luca muốn trao lại Tin Mừng đó cho những người dân ngoại khác.
    Vừa có học thức và khiếu văn chương, lại vừa là y sĩ (x. Cl 4, 14),
    Luca đã dùng tài năng của mình để phục vụ cho Lời Chúa (x. Lc 1, 2).
    Người ta cho rằng Luca là một họa sĩ đã vẽ chân dung Đức Mẹ,
    nay được tôn kính ở Đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma.
    Nhưng điều chắc chắn hơn nhiều là Luca đã vẽ chân dung Đức Giêsu,
    khi thánh nhân cầm bút viết sách Tin Mừng cho dân ngoại.
    Qua việc nghe lời giảng của các tông đồ, qua tìm hiểu và chiêm niệm,
    Luca trở nên người hiểu rất sâu về trái tim nhân từ của Thầy Giêsu.
    Không hiểu Thầy Giêsu thì không thể viết được cuốn Tin Mừng như thế.

    Luca cho ta thấy một Giêsu say mê cầu nguyện,
    từ khi Ngài chịu phép rửa của Gioan đến khi chịu treo trên thập tự.
    Cầu nguyện là giây phút Ngài có thể nói lên tiếng Abba với Cha.
    Giây phút riêng tư ấy, cả môn đệ cũng không khuấy động được.
    Luca còn cho thấy một Giêsu cương quyết lên Giêrusalem, vì đó là ý Cha.
    “Hôm nay, ngày mai, và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi…” (13, 33).
    Ngài đi đến nơi khổ đau và cái chết đang chờ đợi (Lc 9, 51 -19, 27).

    Tin Mừng của Luca tràn ngập khuôn mặt của người nghèo,
    nghèo sức khỏe, nghèo tiền bạc, nghèo phẩm giá, nghèo đời sống tâm linh.
    Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ, chúc lành và tha thứ.
    Ngài đem đến cuộc cách mạng của Thiên Chúa, cho người nghèo nên giàu,
    đem tình thương tha thứ vô bờ của Thiên Chúa cho tội nhân
    đem sự bình đẳng cho các phụ nữ để họ trở nên người cộng tác (8, 2-3).
    Vì thế Tin Mừng của Luca cũng tràn ngập niềm vui,
    từ niềm vui của Dacaria, của Gioan trong bụng mẹ, của các mục đồng,
    đến niềm vui của các môn đệ sau khi Đức Giêsu thăng thiên (24, 52).

    Thánh sử Luca là một người dân ngoại được ơn viết Sách Thánh.
    Chúng ta cũng là dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin.
    Dù không thể viết được những câu chuyện tuyệt đẹp như thánh Luca,
    về người cha nhân hậu hay về hai môn đệ đi Emmaus,
    nhưng chúng ta vẫn có thể kể câu chuyện đời mình cho người khác,
    câu chuyện đầy ắp ân sủng Thiên Chúa và chan chứa niềm vui tri ân.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa Giêsu,
    khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
    chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
    đã âm thầm chịu nát tan
    để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

    Có bao điều tốt đẹp
    chúng con được hưởng hôm nay
    là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
    của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
    của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
    của những người đã nằm xuống
    cho quê hương dân tộc.
    Đã có những con người sống như hạt lúa,
    để từ cái chết của họ
    vọt lên sự sống cho tha nhân.

    Nhờ công ơn bao người,
    chúng con được làm hạt lúa.
    Xin cho chúng con
    đừng tự khép mình trong lớp vỏ
    để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
    nhưng dám đi ra
    để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

    Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
    Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
    chúng con phải chết cho chính mình.
    Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
    đi từ cõi chết đến nguồn sống,
    đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
    trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa