------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ga-lát
(14) Ước chi tôi chẳng hãnh
diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá
Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế
gian.
(15) Quả thật, cắt bì hay
không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.
(16) Chúc tất cả những ai
sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và
lòng thương xót của Người.
(17) Từ nay, xin đừng có ai
gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức
Giê-su.18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần
trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men. (Gl 6, 14-18)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su
cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha
đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc
khải cho những người bé mọn.
(26) Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha.
(27) Cha tôi đã giao phó mọi
sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết
rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
(28) Tất cả những ai đang
vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
(29)Anh em hãy mang lấy ách
của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn
anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
(30) Vì ách tôi êm ái, và
gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 25-30)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIÊU CHỦ ĐỀ: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô.
Thánh Phanxicô là con của
một thương gia rất giàu có tại Assisi. Cha của ngài là người buôn tơ lụa và
muốn ngài nối tiếp sự nghiệp của ông; nhưng Phanxicô được Chúa soi sáng đã sớm
nhận ra sự phù hoa của giàu có bằng cách giúp ngài hiểu thấu đáo về mầu nhiệm
Thập Giá. Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài có tất cả mọi sự trên trời dưới đất;
nhưng đã tự huỷ mình ra không để gánh lấy hình phạt của tội lỗi cho nhân loại.
Trên Thập Giá, Ngài nghèo đến nỗi chỉ còn một miếng vải che thân trong khi gánh
mọi đau thương của cực hình chỉ vì yêu thương nhân loại.
Khi đã nhận ra tình yêu này,
Phanxicô đã bắt chước gương Đức Kitô để đáp trả lại tình yêu vô bờ Đức Kitô đã
dành cho ngài bằng cách từ chối không theo nghề nghiệp của thân phụ. Khi biết
rõ ý định của con muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, cha của ngài đã đuổi ngài ra
khỏi nhà; và mỗi khi ngài đi khất thực ngang qua nhà, ông xua đầy tớ ra đánh
đập, chửi rủa với hy vọng làm cho con đổi ý định. Một lần sau khi đã bị hành
hạ, ngài đã cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người trả lại cho cha và nói, “Đây
là của cha, con xin trả lại cho cha; còn thân xác này của Chúa dựng nên từ nay
thuộc trọn về Thiên Chúa.” Giáo Hội khi tôn phong ngài, đã gọi ngài là “Nữ
Hoàng Khó Nghèo.”
Các bài đọc hôm nay soi sáng
cho chúng ta hiểu mầu nhiệm giầu có và sâu thẳm của Thập Giá cùng với sự phù
hoa của giầu có thế gian. Trong bài đọc I, chắc chắn thánh Phaolô cũng đã cảm
nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài khi suy ngắm về mầu nhiệm Thập
Giá. Một khi đã hiểu được mầu nhiệm này, ngài cảm thấy tâm hồn bình an; vì nếu
Thiên Chúa đã yêu thương con người bằng cách hy sinh Người Con Một chết cho con
người như thế, còn gì có thể làm mà Ngài lại từ chối không ban cho con người?
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho
những kẻ bé mọn; mà không cho những người khôn ngoan, thông thái. Chỉ có những
ai hiền lành và khiêm nhường mới có thể mở lòng trí để đón nhận những mầu nhiệm
cao siêu của Thiên Chúa, hành động theo những chỉ dạy của Ngài và tìm được sự
bình an đích thực cho tâm hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài đọc I: Niềm xác
tín của người môn đệ: “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu
Kitô.”
[1.1] Làm sao để có bình an?
(1) Thập giá Đức Giêsu Kitô
là niềm hãnh diện của người tín hữu: Đây là bốn câu cuối cùng của Thư Galat, và
thánh Phaolô muốn tổng kết những gì Ngài đã nói với các tín hữu trong toàn Thư.
Người tín hữu không được tìm sự hãnh diện nơi bất cứ điều gì thế gian dâng tặng
như: uy quyền, danh vọng, tiền của, hưởng thụ... Niềm hãnh diện của người tín
hữu là ở nơi Thập Giá của Đức Kitô, vì nhờ cây Thập Giá này mà họ được rửa sạch
tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên xưng: “Ước chi tôi
chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ
thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối
với thế gian.”
(2) Qui tắc để có bình an:
Đối với các Kitô hữu, không phải hệ tại ở việc cắt bì, cũng chẳng phải ở việc
giữ Luật, nhưng là ở chỗ trở nên một tạo vật mới: theo sự hướng dẫn của Thánh
Thần để hoàn toàn sống cho Đức Kitô. Thánh Phaolô dạy: “Quả thật, cắt bì hay
không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc
tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Israel của Thiên Chúa được hưởng
bình an và lòng thương xót của Người.”
Bình an này có liên kết mật
thiết với niềm tin của người tín hữu vào Đức Kitô: một khi đã biết Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa, người tín hữu không còn lo lắng về tội lỗi và về sự chết
nữa. Họ biết nếu họ tin và tuân giữ những gì Đức Kitô dạy bảo, họ sẽ được sống
đời đời với Thiên Chúa. Chính sự xác tín này làm cho họ được bình an trong tâm
hồn.
[1.2] Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu: Trong
cuộc đời, người tín hữu phải đương đầu với biết bao nhiêu những lạc thuyết của
thế gian và các tôn giáo khác nhau. Một khi đã biết rõ ràng Kế Hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa, người tín hữu đừng để cho bất cứ người nào làm lung lay niềm tin
của mình, đừng để cho bất cứ sự gì lôi cuốn mình khỏi Thập Giá của Đức Kitô, và
đừng để cho những dấu tích của Đức Kitô in trên thân thể bị xóa nhòa. Những
“dấu tích” thánh Phaolô nói ở đây có thể là “5 dấu thánh” mà thánh Phanxicô Khó
Khăn, thánh Catarina Sienna, hay Cha Piô được chịu; cũng có thể là những đau
khổ để lại trên thân xác sau khi đã trải qua những gian khổ để làm chứng cho
Đức Kitô; hay có thể hiểu một cách thiêng liêng: những chứng tích mà bí-tích
Rửa Tội để lại trong linh hồn các tín hữu.
[2] Phúc Âm: “Hãy học với
tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
Chúa Giêsu so sánh giữa
những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios),
để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường,
ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một
thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc
khải cho họ.
[2.1] Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho
tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ
Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ
ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "epiginôskô," biết như
một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ
khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo
nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của
Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của
Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người
không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên
Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố
với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có thể hiểu
những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và
thúc đẩy từ bên trong.
[2.2] Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu:
Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng
theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách
và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần
học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối
thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu
diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài
đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha
cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau
và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù.
Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn,
và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân
đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích
người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là
biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm
nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang
lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục
vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ
người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu
với mọi người.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy đến và học
với Đức Kitô trên Thập Giá, vì Ngài sẽ dạy cho chúng ta những bài học khôn
ngoan mà chúng ta không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu trên thế gian này.
- Không một ai trên đời này
yêu thương chúng ta bằng Đức Kitô. Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta tình yêu thâm
sâu của ngài qua cái chết đau thương trên Thập Giá để gánh chịu mọi hình phạt
thay cho chúng ta.
- Nếu chúng ta đánh đổi tình
yêu của Đức Kitô cho sự giàu có thế gian, chúng ta đã rơi vào bẫy của ma quỉ và
trở thành những kẻ rồ dại và đang thương nhất trên đời.
************
Viết bởi LM. Anthony Đinh
Minh Tiên, OP
************
copied from loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaTrong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã sai nhóm Mười Hai
đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).
Họ là những tông đồ thân tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.
Nhưng vì thấy lúa chín đầy đồng, và thợ gặt thì ít,
Đức Giêsu lại sai thêm bảy mươi hai môn đệ lên đường.
Đây là một số người khá đông mà Đức Giêsu quy tụ được.
Chắc họ không luôn luôn ở với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,
vì họ còn phải vất vả lo chuyện gia đình, làm ăn,
nhưng họ vẫn được Ngài chỉ định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.
Ngày trở về của nhóm Bảy Mươi Hai là một ngày rất vui.
Họ thi nhau khoe với Thầy về chuyện họ trừ được quỷ dữ,
Họ đã có kinh nghiệm về Tên của Thầy mình.
“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).
Những môn đệ bình thường bắt đầu vui sướng nhận thấy
họ có thể dũng cảm đối đầu với những mãnh lực đáng sợ
chỉ nhờ đặt nơi Thầy một lòng tin phó thác đơn sơ.
Đúng là Xatan đã đến ngày tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).
Nó bị sa xuống từ trời, và nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.
Trước niềm vui chiến thắng của nhóm Bảy Mươi Hai,
Thầy Giêsu muốn nhắc họ về một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.
Đó là vui vì tên họ đã được ghi trên trời (c. 20).
Khi Xatan bị tống khỏi trời, thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.
Phúc cho họ vì được ơn có tên trong sách sự sống (Pl 4,3).
Đây mới là hạnh phúc và niềm vui đích thật.
Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp niềm vui.
Niềm vui từ số đông môn đệ tỏa lan sang Thầy Giêsu.
Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,
và môi Thầy bật lên lời cầu nguyện tự phát.
Vừa thân thiết, vừa cung kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.”
Thầy Giêsu ngây ngất trước những việc Cha làm cho các môn đệ.
Tuy chỉ là những kẻ bé mọn, bình dân,
chẳng phải là những nhà khôn ngoan thông thái,
nhưng họ lại được Cha mặc khải những điều mầu nhiệm.
Cha đã vén mở cho họ tin vàoThầy Giêsu là Con của Cha.
Họ có niềm tin mà những người kiêu căng tự mãn không có được.
Thầy Giêsu khâm phục sự sắp đặt kỳ diệu của Cha:
“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (c. 21).
Chúng ta có quyền tin rằng,
vào giây phút cầu nguyện linh thiêng này,
không phải chỉ các môn đệ và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.
Cả Chúa Cha trên trời cũng vui, cùng với Chúa Thánh Thần.
Qua lời cầu nguyện, Thầy Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.
Và chính Thầy cũng đang mặc khải về Cha cho họ.
Đây là giây phút Cha-Con mặc khải về nhau.
Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ,
Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.
Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org