------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ga-lát
(1) Hỡi những người Ga-lát
ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su
Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?
(2) Tôi muốn anh em cho tôi
biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy,
hay vì đã tin nhờ được nghe?
(3) Anh em ngu xuẩn như thế
sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao?
(4) Bấy nhiêu kinh nghiệm
anh em đã trải qua, lại uổng công sao? Mà quả thật là uổng công!
(5) Vậy Đấng đã rộng ban
Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em
làm những gì Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe? (Gl 3, 1-5)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(5) Người còn nói với các
ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà
nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,
(6) vì tôi có anh bạn lỡ
đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả";
(7) mà người kia từ trong
nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ
cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?
(8) Thầy nói cho anh em
biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để
cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
(9) "Thế nên Thầy bảo
anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.
(10) Vì hễ ai xin thì nhận
được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.
(11) Ai trong anh em là một
người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?
(12) Hoặc nó xin trứng lại
cho nó bò cạp?
(13) Vậy nếu anh em vốn là
những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên
trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11,
5-13)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên trì trong thử thách
Kiên trì trong thử thách và
đau khổ là một trong những yếu tố quyết định giữa thành công và thất bại của
đời người. Người yếu đuối nhẹ dạ dễ bị đánh lừa và hay thay đổi vì không có lập
trường rõ rệt. Người kiên trì không dễ bị đánh lừa hay thuyết phục vì đã nắm
vững những gì mình tin và chọn. Bài đọc I nói lên sự kiên trì trong đức tin và
đạo lý. Phúc Âm nói lên sự kiên trì trong tình thương và lời cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài đọc I: Kiên trì
trong đức tin và đạo lý. Đừng để mọi thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.
[1.1] Phải biết quí trọng và giữ gìn những đạo lý đã học được: Đức
tin có được là nhờ nghe. Thánh Thần là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban
cho con người. Quà tặng này có được là do đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (Acts
8:14-17, 10:44), chứ không do là người Do Thái hay Dân Ngọai. Khi các tín hữu
Galat nhận lãnh Chúa Thánh Thần, họ đã chưa từng nghe đến việc phải giữ Luật.
Họ chỉ nghe đến việc giữ Luật khi thánh Phaolô tạm rời bỏ họ và một số người Do
Thái đến rao giảng cho họ nghe một đạo lý khác, thứ đạo lý đặt căn bản trên
việc cắt bì và giữ các Lề Luật. Vì thế, thánh Phaolô tức giận khi nghe tin các
tín hữu Galat đã bỏ những gì ngài dạy và tin theo thứ đạo lý này: “Hỡi những
người Ga-lát ngu xuẩn! Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình
ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá phơi bày ra trước mắt? Tôi muốn
anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thánh Thần vì đã làm
những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe?”
[1.2] Không kiên trì trong đức tin sẽ dễ dàng bị mất gốc và bị cuốn
theo đủ mọi thứ học thuyết: Thánh Phaolô dùng kinh nghiệm để nhắc nhở các tín
hữu Galat nhớ lại thuở ban đầu khi họ chưa có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
- Bắt đầu bằng những lời rao
giảng về cuộc đời của Đức Giêsu Kitô của Phaolô, các tín hữu Galat đã nhận ra
tình thương của Thiên Chúa và tin vào Ngài. Đức tin của họ có được là nhờ nghe
những lời rao giảng của Phaolô và nhờ Thánh Thần tác động trong tâm hồn để họ
có thể tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Thế mà giờ đây họ lại nghe theo
lời người khác mà tin ngược lại: để có được Chúa Thánh Thần, họ phải giữ các Lề
Luật để được Thiên Chúa thương ban Thánh Thần. Thánh Phaolô kêu trách họ: “Anh
em ngu xuẩn như thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thánh Thần, nay lại kết thúc nhờ
xác thịt sao?”
- Vì tin vào Đức Giêsu Kitô,
các tín hữu Galat đã được tràn đầy những hồng ân của Thánh Thần và đã có bao
kinh nghiệm về sự họat động của Thánh Thần ở giữa họ: nói tiếng lạ, chứng kiến
các phép lạ, chứng kiến bao nhiêu người Dân Ngọai tin vào Thiên Chúa … Thế mà
giờ đây tin vào những lời của các kẻ phá họai, họ lại muốn làm lại từ đầu để có
được Thánh Thần; mà chưa chắc họ đã có nhờ giữ cẩn thận Lề Luật. Thánh Phaolô
đặt câu hỏi cho họ suy nghĩ: “Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại
uổng công sao? Mà quả thật là uổng công! Vậy Đấng đã rộng ban Thánh Thần cho
anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em làm những gì
Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe?”
[2] Phúc Âm: Kiên trì xin
cho tới khi được.
[2.1] Khi cần, phải xin cho dẫu phải quấy rầy người khác: Sự lỡ
đường của người bạn lúc nửa đêm đặt người phải vay trong tình trạng khó xử:
hoặc im lặng để người bạn lỡ đường chịu đói hoặc phải hy sinh gõ cửa hàng xóm
mà vay. Sau cùng, vì tinh thần hiếu khách nên anh quyết định hy sinh đi vay dù
biết rằng mình sẽ làm phiền hàng xóm. Anh gõ cửa hàng xóm và van nài: "Bạn
ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi
không có gì dọn cho anh ta ăn cả." Người hàng xóm từ trong nhà đáp: "Xin
anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi,
tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.”
[2.2] Kiên trì xin cho tới khi được: Mặc dù bị từ chối nhưng anh vẫn
kiên trì gõ cửa và van nài cho đến khi được như lời Chúa nói: “dẫu người kia
không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả
những gì anh ta cần, vì anh ta cứ “lỳ” ra đó.” Người hàng xóm phải chỗi dậy cho
vay bánh vì ông không muốn cả gia đình phải mất ngủ suốt đêm. Tiếng Hy Lạp dùng
ở đây là avnaideia, danh từ này có 2 nghĩa:
(1) tiêu cực: không biết
nhạy cảm trước sự khước từ hay khinh thường của người khác: không biết xấu hổ,
lỳ lợm, chai lỳ;
(2) tích cực: kiên nhẫn,
kiên trì cho tới khi đạt được, không cần biết thời gian phải chờ đợi bao lâu,
nơi chốn nào có thể tìm thấy, hay con người nào có thể xin được. Đây là thái độ
mà Chúa muốn các môn đệ phải có khi muốn xin sự gì với Thiên Chúa: “Anh em cứ
xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì
nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Lý do tại sao phải có
thái độ này là vì người xin không thể làm cách nào khác hơn được nữa.
2.3/ So sánh người cha dưới
đất với người Cha trên trời: Để nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho con
người, Chúa Giêsu dùng một ví dụ cụ thể về tình thương của người cha trần thế:
“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy
rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những
kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời
lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải kiên trì
trong đức tin và giữ vững đạo lý; đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe, ai bảo
sao cũng làm. Để có thể kiên trì, chúng ta cần học hỏi để hiểu tường tận Kinh
Thánh và những Giáo Huấn của Giáo Hội hết sức có thể.
- Chúng ta phải kiên trì
trong tình thương và lời cầu nguyện dẫu có phải đương đầu với thử thách và đau
khổ.
************
Viết bởi LM. Anthony Đinh
Minh Tiên, OP
************
copied from loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaMột thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaCon tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org