------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ga-lát
(31) Ấy vậy,
thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của
người tự do.
(1) Chính để
chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững,
đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.
(2) Phải, tôi
đây, Phao-lô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô
sẽ không có ích gì cho anh em.
(3) Một lần nữa,
tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là: người ấy buộc phải giữ trọn
vẹn Lề Luật.
(4) Anh em mà
tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết
ân sủng.
(5) Còn chúng
tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công
chính như chúng tôi hy vọng.
(6) Quả thật,
trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức
tin hành động nhờ đức ái. (Gl 4, 31-5, 6)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(37) Đức Giê-su
đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người
liền vào bàn ăn.
(38) Thấy vậy,
ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.
(39) Nhưng Chúa
nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các ngươi, bên ngoài chén đĩa,
thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp
bóc, gian tà.
(40) Đồ ngốc! Đấng
làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?
(41) Tốt hơn,
hãy lấy những của gì mình có mà làm phúc, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch
cho các ngươi. (Lc 11, 37-41)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?
Tiếp theo những
gì chúng ta đã chia sẻ hôm qua về sự xung đột giữa người Do-Thái và thánh
Phaolô về giao ước cũ và mới. Hôm nay, cả hai Bài đọc đều dẫn chứng sự xung đột
này bằng những ví dụ cụ thể. Bài đọc I tranh luận về việc có nên cắt bì hay
không? Phúc Âm tranh luận về việc có nên rửa tay trước khi ăn?
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?
[1.1] Lề Luật không thể làm con người
nên công chính: Thánh Phaolô nhắc lại đạo lý căn bản của Kitô Giáo: “Chúng ta
không phải là con của một người nô lệ (Hagar-Ismael), nhưng là con của người tự
do (Sarah-Isaac). Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng
ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”
Ngài trưng ra một
ví dụ, việc cắt bì: Theo lễ nghi nhập Đạo Do-Thái, người tân tòng phải làm 3 việc:
cắt bì, dâng lễ vật, và chịu thanh tẩy. Một số người Do-Thái sau khi đã trở lại
Công Giáo đòi các người tân tòng Dân Ngọai cũng phải chịu cắt bì như họ. Thánh
Phaolô phản đối mạnh mẽ sự đòi hỏi này: “Phải, tôi đây, Phaolô, tôi nói cho anh
em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh
em.”
Ngài cắt nghĩa
lý do tại sao không nên cắt bì bằng việc dùng tam đọan luận:
- Tiền đề: Bất cứ
ai chịu phép cắt bì, người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật. Nếu không giữ trọn
vẹn Lề Luật, người ấy sẽ phải lãnh nhận hình phạt do tội gây nên;
- Phản tiền đề:
Nhưng không ai trong con người có thể giữ trọn vẹn Lề Luật;
- Kết luận: Mọi
người đều phải lãnh nhận hình phạt.
[1.2] Chỉ có niềm tin vào Chúa Kitô mới
có thể làm cho con người nên công chính:
Hình phạt của tội
bất trung với Thiên Chúa là cái chết. Làm sao con người có thể tránh khỏi cái
chết? Chắc chắn không bằng việc giữ Lề Luật! Nhưng bằng việc tin vào lòng
thương xót Chúa qua sự kiện Ngài đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần
để chết thay cho con người. Chính bằng niềm tin vào Người Con này, con người được
trở nên công chính và khỏi chết. Vì thế, “Nếu anh em tìm sự công chính trong Lề
Luật, anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ
Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng
tôi hy vọng.”
Đối phương của
Thánh Phaolô thách thức ngài: “Phải chăng Lề Luật của Thiên Chúa thành vô giá
trị đối với các Kitô hữu?” Trong Thư Rôma, Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ hơn về vai
trò của Lề Luật. Chúng ta chỉ trả lời cách vắn gọn ở đây: Điểm quan trọng chúng
ta cần lưu ý là đích điểm và cách chính yếu làm sao để đạt đích. Theo Thánh
Phaolô, đích mà mọi người nhắm tới là làm sao trở nên công chính trước Thiên
Chúa để khỏi phải chết, và cách để đạt đích là tin vào Chúa Kitô là Con Thiên
Chúa đã chịu chết thay cho con người.
Lề Luật, tuy
không có giá trị cứu rỗi, nhưng giúp cho con người nhận ra những gì nên và
không nên làm. Lề Luật chỉ giúp con người đáp ứng những điều kiện tối thiểu,
nhưng không giúp con người tiến xa hơn trong lãnh vực hy sinh, yêu thương, và
bác ái. Để có thể tiến xa trên con đường trọn lành, con người cần có một đức
tin vững mạnh vào Thiên Chúa, đức tin này thể hiện qua việc làm chứng nhân bằng
lời giảng dạy cũng như bằng các công việc bác ái xã hội.
Và Thánh Phaolô
kết luận: “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có
giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.”
[2] Phúc
Âm: Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai.
[2.1] Người Pharisêu sửng sốt Chúa vì
không rửa tay trước khi ăn: Cũng tương tự như đối phương của Thánh Phaolô tranh
luận về sự quan trọng của sự cắt bì, đối phương của Chúa Giêsu là một người
Pharisêu sửng sốt vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Đối với người Do-Thái,
việc rửa tay trước khi ăn không chỉ thuần túy là để cho hợp vệ sinh, nhưng là
việc giữ Lề Luật. Người Pharisêu sửng sốt vì một người như Chúa lại không giữ
các Lề Luật căn bản.
[2.2] Trong sạch tâm hồn thì quí trọng
hơn sạch sẽ bên ngòai: Chúa Giêsu biết những gì ông đang tự hỏi, nên Người thẳng
thắn nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các ngươi, bên ngoài chén
đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp
bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên
trong sao? Tốt hơn, hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc, thì
bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
Một câu Hy-Lạp rất
khó dịch trong đọan này là “plh.n ta. evno,nta do,te evlehmosu,nhn.” Nhóm PVCGK
dịch “Tốt hơn, hãy bố thí những gì bên trong.” Theo văn mạch của đọan này, điều
Chúa Giêsu đang muốn nói là sự trong sạch của tâm hồn, và câu 39 đang nói tới
những tật xấu bên trong của người Pharirêu: “nhưng bên trong các ngươi thì đầy
những chuyện cướp bóc, gian tà.” Tổng hợp tất cả, chúng ta có thể dịch: “hãy
cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc.”
Điều Chúa muốn họ
lưu ý ở đây là sự thanh sạch trong tâm hồn mà Thiên Chúa muốn họ có, vì Thiên
Chúa đã dựng nên con người, và Ngài biết tất cả mọi sự: bên trong cũng như bên
ngòai. Họ có thể đánh lừa được mọi người bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật
nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa vì Ngài thấu suốt mọi toan tính trong
tâm hồn của họ. Một khi họ đã vất đi những toan tính thấp hèn, họ sẽ trở nên
trong sạch thực sự và biết yêu thương tha nhân hơn.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không
thể trở nên công chính bằng sức mình qua việc cẩn thận giữ các Lề Luật, nhưng
chỉ có thể trở nên công chính bằng lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tin
tưởng vào Người Con của Ngài. Chính Người Con này đã chết thay cho chúng ta.
- Lề Luật của
Thiên Chúa trong Cựu Ước vẫn có giá trị căn bản của chúng. Tuy nhiên, những giới
răn của Chúa Giêsu dạy làm hòan hảo những Lề Luật của Cựu Ước. Nếu chúng ta yêu
mến Chúa Giêsu, chúng ta phải giữ các giới răn của Người.
- Các Lề Luật đều
tóm trong hai giới răn quan trọng nhất: “Mến Chúa, yêu người.” Sự thanh sạch
trong tâm hồn cao trọng hơn sự thanh sạch bên ngòai.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaMột ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài.
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn.
Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu.
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi.
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn,
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó.
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,
giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.
Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ.
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết.
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,
nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó
được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu,
cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa.
“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).
Như thế cái bên trong của chén đĩa
tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người.
Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ.
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.
Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.
Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.
Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,
tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,
khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận.
Nhưng Thiên Chúa thì không.
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.”
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong.
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.
Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.
Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm,
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.
Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?
Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,
đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình.
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org