14 tháng 10, 2014

Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ga-lát

(18) Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.
(19) Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,
(20) thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,
(21) ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.
(22) Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,
(23) hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.
(24) Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.
(25) Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. (Gl 5, 18-25)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(42) Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.
(43) Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.
(44) Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay."
(45) Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!"
(46) Đức Giê-su nói: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào. (Lc 11, 42-46)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai lối sống: theo Thánh Thần hay theo xác thịt.

Đối phương của Thánh Phaolô tố cáo: Vì muốn chiêu mộ nhiều tín hữu nên Phaolô rao truyền một thứ đạo quá dễ dàng: chỉ cần tin mà không cần giữ Lề Luật. Thánh Phaolô trả lời cho họ bằng cách phân biệt 2 lối sống: theo Thánh Thần và theo Lề Luật. Ngài tố cáo họ đã sống theo lối sống thấp hèn của Lề Luật. Những người đặt niềm tin nơi Chúa Kitô sống một lối sống cao hơn mà Lề Luật không bao giờ có thể đạt tới, đó là lối sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng vạch ra những tật xấu của các Kinh-sư và Luật-sĩ vì lối sống theo Lề Luật của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: So sánh hai lối sống: theo Thánh Thần và theo xác thịt (Lề Luật)

Theo đạo lý của Thánh Phaolô: Con người trở nên công chính không bằng việc giữ Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô thể hiện qua đức bác ái. Tương xứng với đạo lý này là hai lối sống: nếu một người chọn trở nên công chính theo Lề Luật, người ấy sẽ sống theo lối xác thịt; nếu một người chọn trở nên công chính bằng niềm tin vào Đức Kitô, người ấy sẽ để cho Thánh Thần hướng dẫn, và không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

[1.1] Lối sống theo xác thịt: Thánh Phaolô liệt kê một số các dấu hiệu của lối sống theo xác thịt:

- dâm dục, ô uế, hoang đàng: để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của xác thịt;

- thờ bụt thần, dùng phù phép: không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa;

- hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận: hòan tòan ngược lại với đức bác ái;

- tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ: không xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn;

- say sưa, chè chén: để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của xác thịt.

Nếu một người để mình sống theo những khuynh hướng này, Thánh Phaolô cảnh cáo: “Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.”

[1.2] Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô liệt kê 9 dấu hiệu cuả lối sống theo Thánh Thần mà ngài gọi là hoa quả của Thánh Thần. Đây là những nhân đức mà con người có thể luyện tập được khi để cho Thánh Thần hướng dẫn:

(1) Bác ái (Charity): hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của lối sống theo Thánh Thần;

(2) Hoan lạc (Joy): niềm vui trong tâm hồn chứ không phải niềm vui vì lợi lộc vật chất;

(3) Bình an (Peace): không sợ hãi trước một đau khổ nào, vì luôn tin nơi Thiên Chúa;

(4) Đại lượng (Generosity): không lấy ác báo ác, nhưng luôn rộng lượng tha thứ;

(5) Tử tế (Kindness): sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến và tử tế với mọi người;

(6) Từ tâm (Goodness): có lòng thương xót cho mọi người;

(7) Hiền hoà (Gentleness): không to tiếng la lối, chửi mắng, hay đánh đập người khác;

(8) Trung tín (Faithfulness): trung thành với những gì đã thề hứa dẫu gặp khó khăn;

(9) Tiết độ (Self-control): tự chủ trong mọi lãnh vực ăn, uống, ngủ, và hưởng thụ.

Giáo Hội, trong Sách GLCG, số 1832, liệt kê thêm 3 hoa quả của Chúa Thánh Thần:

(10) Kiên nhẫn (Patience): không dễ thay đổi khi phải đương đầu với khó khăn;

(11) Đơn giản (Modesty): không để cho của cải vật chất chi phối cuộc đời;

(12) Trong sạch (Chastity): giữ thể xác và tâm hồn luôn trong trắng.

Thánh Phaolô khẳng định: “Không có luật nào chống lại những điều như thế.” Hơn nữa, Lề Luật chỉ có thể ngăn cấm con người để đừng phạm tội, nhưng không thể giúp cho con người sống theo những tiêu chuẩn cao thượng như thế. Nhưng những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá cùng với các dục vọng và đam mê. Đồng thời, Thánh Thần của Đức Kitô sẽ giúp con người đạt được mức tòan thiện của cuộc sống.

[2] Phúc Âm: Tai hại của việc sống theo Lề Luật

[2.1] Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả 10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về bốn tội sau đây:

(1) Xao lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;
Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);

(2) Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan trọng;

(3) Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không làm dấu vì sự giả hình của họ.

[2.2] Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới (Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

--------------------------------------------------------------------------------  
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

- Mười hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái, vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.

- Ngược lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
    Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.
    Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
    Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.

    Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
    Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
    mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
    Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
    Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
    Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
    và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
    Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
    Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
    Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
    “Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”

    Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
    Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
    và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).
    Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.
    Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
    Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
    kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.
    Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
    Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.
    Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
    Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.

    Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
    Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
    Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
    Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
    Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
    vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
    Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.
    Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
    Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,
    mà còn là giúp người khác giữ luật.
    Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
    không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),
    người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

    Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách nay hai mươi thế kỷ
    vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
    Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
    chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
    xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

    Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
    xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

    Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
    xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

    Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
    xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

    Lạy Chúa Ba Ngôi,
    Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
    xin cho các Kitô hữu chúng con
    trở thành tình yêu
    cho trái tim khô cằn của thế giới.

    Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
    biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
    biết quảng đại cho đi
    và khiêm nhường nhận lãnh.

    Lạy Ba Ngôi chí thánh,
    xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
    ở sâu thẳm lòng chúng con,
    và trong lòng từng con người bé nhỏ.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa