------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ê-phê-xô
(12) Thuở ấy anh
em không có Đấng Ki-tô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các
giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên
Chúa ở trần gian này.
(13) Trước kia
anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức
Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.
(14) Thật vậy,
chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và
dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách
là sự thù ghét;
(15) Người đã huỷ
bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người
đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.
(16) Nhờ thập
giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể
duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.
(17) Người đã đến
loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những
kẻ ở gần.
(18) Thật vậy,
nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến
cùng Chúa Cha.
(19) Vậy anh em
không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với
các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa,
(20) bởi đã được
xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là
chính Đức Ki-tô Giê-su.
(21) Trong Người,
toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh
trong Chúa.
(22) Trong Người,
cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà
Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí. (Ep 2, 12-22)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(35) "Anh
em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.
(36) Hãy làm như
những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.
(37) Khi chủ về
mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật
anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.
(38) Nếu canh
hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là
phúc cho họ. (Lc 12, 35-38)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Gương phục vụ của Đức Kitô
“Con
người đến không phải được phục vụ, nhưng…” Bài đọc I liệt kê tất cả những gì
con người được hưởng qua sự phục vụ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hứa
Ngài sẽ phục vụ tất cả những ai trung thành với sứ vụ Ngài đã trao.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Đức Kitô đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa.
[1.1] Khác biệt giữa người Do-Thái và
Dân Ngọai: Người Do-Thái tự hào là Dân Riêng của Thiên Chúa, tự hào vì Lề Luật
của Thiên Chúa ban cho, và tự hào vì được chính Thiên Chúa lãnh đạo. Những đặc
quyền này làm cho họ khinh thường các dân tộc khác và không muốn sống chung với
Dân Ngọai trong bất cứ hòan cảnh nào. Thánh Phaolô, mặc dù là Tông Đồ của Dân
Ngọai, nhận ra có 4 sự khác biệt giữa người Do-Thái và các Dân Ngọai: Thuở ấy
(trước khi Đức Kitô đến) anh em:
(1) không có Đấng
Kitô: Lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai được làm với người Do-Thái.
Tước hiệu “Kitô” trong tiếng Hy-Lạp có nghĩa “Đấng được xức dầu.”
(2) không được
hưởng quyền công dân Israel: Các dân tộc khác đều được xếp lọai là Dân Ngọai;
vì thế, không được hưởng những đặc quyền như những công dân Do-Thái.
(3) xa lạ với
các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước
với người Do-Thái qua các tổ phụ của họ. Những giao ước này hòan tòan xa lạ với
các Dân Ngọai.
(4) không có niềm
hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này: Không có Thiên Chúa là không có
hy vọng được sống. Đối với các Dân Ngọai, chết là hết.
[1.2] Công cuộc hòa giải của Đức Kitô:
Ngài đã làm cho cả người Do-Thái và Dân Ngọai 5 việc như sau:
(1) Mang hai bên
lại gần nhau: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô
Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Dân Ngọai
là những người ở xa, nhờ Đức Kitô, đã được nhập đòan cùng với người Do-Thái, những
kẻ ở gần.
(2) Hy sinh thân
mình để xóa bỏ thù ghét và làm hai bên nên một: “Người đã liên kết đôi bên, dân
Do-Thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường
ngăn cách là sự thù ghét.” Bức tường ngăn cách thể lý đây có thể được nhìn thấy
trong Đền Thờ Jerusalem, nơi mà nếu bất cứ người Dân Ngọai nào vượt qua bức tường
này, họ sẽ bị tử hình bởi người Do-Thái.
(3) Hủy bỏ Luật
cũ gồm các điều răn và giới luật: “Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và
giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một
người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” Để được trở nên công chính trước
mặt Thiên Chúa, con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô và giữ các điều
Ngài dạy.
(4) Hòa giải con
người với Thiên Chúa: “Nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với
Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự
thù ghét.” Con người phải hòa giải với nhau trước khi họ có thể hòa giải với
Thiên Chúa. Đức Kitô không chỉ giúp cho con người hòa giải với nhau, mà còn
giúp cho con người hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Ngài trên Thập Giá.
(5) Mang bình
an: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa,
và bình an cho những kẻ ở gần.” Sự kiện này đã được nhìn thấy trước bởi tiên
tri Isaiah (57:19): Dân Ngọai trở thành những người ở gần (người Do-Thái) nhờ
việc hòa giải của Đức Kitô. “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được
liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”
[1.3] Hậu qủa của việc hòa giải: Thánh
Phaolô dùng 2 hình ảnh để nói lên 2 đặc quyền con người được hưởng sau khi được
hòa giải bởi Đức Kitô:
(1) Con người trở
nên người nhà của Thiên Chúa: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người
tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người
nhà của Thiên Chúa.” Trong một quốc gia, người ngọai quốc không được hưởng những
đặc quyền của người thường trú, và những người thường trú không được hưởng những
đặc quyền của người công dân. Cũng như vậy đối với Dân Ngọai, trước khi Đức
Kitô đến, họ là những người xa lạ đối với Dân Thánh (Israel); nhưng khi Đức
Kitô đến, Ngài đã làm cho họ trở nên những người đồng hương với các người thuộc
dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa. Vì thế, họ cũng được hưởng đầy đủ mọi
đặc quyền như những người trong nhà.
(2) Con người trở
nên những viên gạch của Đền Thờ Thiên Chúa: Trong Đền Thờ này, toàn thể công
trình xây dựng ăn khớp với nhau: Đá Tảng Góc Tường là chính Đức Kitô Giêsu, nền
móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn tất cả mọi người là những viên gạch được
xây dựng thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần.
[2] Phúc
Âm: Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành.
[2.1] Sẵn sàng bằng cách hòan tất các bổn
phận Chúa trao: Để đánh giá con người có trung thành với Thiên Chúa hay không,
Chúa Giêsu dùng ví dụ một ông chủ giao nhà cho các đầy tớ trông coi để đi ăn cưới:
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ
đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” Vì tiệc cưới của
người Do-Thái thường hay xảy ra ban đêm và không có giờ giấc rõ rệt, nên đòi những
người có trách nhiệm luôn phải sẵn sàng và nhất là luôn có đèn sáng trong tay.
Đêm tối là lúc con người ít chuẩn bị nhất, và hầu hết các họat động bất chính đều
xảy ra ban đêm. Vì thế, để đánh giá sự chuẩn bị của các đầy tớ, ông chủ trở về
bất chợt lúc ban đêm.
[2.2] Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ
trung thành: Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh
thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ
vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Lời tuyên bố của Chúa không bình
thường vì việc phục vụ là việc của các đầy tớ; nhưng đây là phần thưởng dành
cho các đầy tớ trung thành. Nếu con người trung thành trong việc phục vụ tha
nhân, con người cũng sẽ được phục vụ bởi Đức Kitô trong vương quốc của Ngài,
như Ngài đã từng phán: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục
vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Những sự khác
biệt đã tạo nên bất đồng, thù ghét, và chiến tranh giữa con người với con người,
giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.
- Sự hiện diện của
Chúa Kitô xóa tan những sự khác biệt. Ngài đến để hòa giải bằng cách tiêu diệt
mọi bất đồng giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia,
giữa con người và Thiên Chúa.
- Chưa hết, Ngài
còn hứa sẽ phục vụ hết tất cả những ai trung thành với ơn gọi trong vương quốc
của cha Ngài.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaChúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.
Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.
Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org