26 tháng 10, 2014

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Ê-phê-xô

(32) Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
(1) Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương,
(2) và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.
(3) Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh.
(4) Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn.
(5) Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào -mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng- được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa.
(6) Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục.
(7) Vậy anh em đừng thông đồng với họ.
(8) Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; (Ep 4, 32-5,8)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(10) Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.
(11) Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.
(12) Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "
(13) Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
(14) Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "
(15) Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?
(16) Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "
(17) Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện. (Lc 13, 10-17)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thay đổi quan niệm và thái độ sống

Sự Thật không tùy thuộc vào thời gian, nơi chốn, hay số đông. Xã hội hiện đại đang cố gắng xét lại, bóp méo, hay thay đổi Sự Thật bằng cách lấy đủ mọi lý do về thời gian, nơi chốn, hay đám đông để từ chối Sự Thật. Các Bài đọc hôm nay mời gọi con người xét lại những gì mình đã tin hay đã quá quen thuộc, vì không phải những gì mình đã tin hay đã quá quen thuộc đều đúng. Con người cần mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều hay lẽ phải từ người khác; đối chiếu và suy xét với những gì mình vẫn tin; và can đảm thay đổi những gì mình đã tin hay đã làm không đúng. Trong Bài đọc I, các tín hữu Êphêsô đã quá quen với nếp sống phóng khóang buông thả của người Hy-Lạp, họ coi chuyện tình dục là chuyện bình thường. Thánh Phaolô khuyên họ xét lại và chuyển hướng tới cuộc sống theo ánh sáng tốt lành hơn. Trong Phúc Âm, ông Trưởng Hội Đường đặt việc giữ ngày Sabbath trên lòng thương xót. Chúa Giêsu phản đối thái độ của ông và dạy đám đông lòng thương xót quí trọng hơn việc cẩn thận giữ Luật Lệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau:

[1.1] Điều căn bản và quan trọng nhất của Đạo: là yêu thương và tha thứ, chứ không phải ở việc giữ Luật. Như Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương tha thứ cho con người, con người cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.”

[1.2] Đạo lý nền tảng này đòi các tín hữu Êphêsô xét lại cuộc sống của họ: Người Hy-Lạp có quan niệm rất phóng khóang về các vấn đề luân lý, nhất là chuyện dâm dục. Nhóm triết gia “thuần tri thức (Gnosticism)” chủ trương: chỉ có linh hồn mới quan trọng, còn thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; vì thế, con người có thể làm bất cứ điều gì liên quan tới thân xác. Những tội phạm đến thân xác của Công Giáo là chuyện thông thường đối với họ.
Thánh Phaolô khuyên họ nên xét lại, ngài nêu lên đặc biệt là 3 tội: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong Dân thánh. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.”

(1) Gian dâm (porneia): giao hợp trái phép, làm điếm, các họat động liên quan đến lãnh vực tình dục trong việc làm. Đây là tội luôn có trong sổ tội của Thánh Phaolô. Ngài quan niệm: thân xác con người là chi thể của Đức Kitô (I Cor 6:13, I Cor 12:13) và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (I Cor 6:19); vì thế các tội phạm đến thân xác là tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô (I Cor 6:16).

(2) Gian dối, ô uế : đây là những tội ngược lại với trong sạch và thánh thiện. Danh từ này bao gồm mọi thứ làm cho con người ra ô uế như ghen tương, dối trá, nói chuyện hoa tình… Thánh Phaolô khuyên: “Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn.”
(3) Gian tham: tội này áp dụng trong mọi thứ: tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc đẹp. Thánh Phaolô quan niệm gian tham lam cũng là thờ ngẫu tượng; thay vì tôn thờ Thiên Chúa lại tôn thờ những gì Ngài tạo dựng (Col 3:5). Nó cũng phạm đến tha nhân vì mong muốn những gì của tha nhân hay đối xử bất công với tha nhân để đạt những gì mình mong muốn.

[1.3] Thay đổi quan niệm và nếp sống cũ: Đối diện với đạo lý mới của Thánh Phaolô, các tín hữu Hy-Lạp bị giằng co: một bên là quan niệm và nếp sống cũ đã quá quen, một bên là những đòi hỏi của những người tin vào Chúa. Sẽ có những người như Nhóm Thuần Tri Thức phản đối đạo lý của Phaolô: “thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn;” hay Nhóm Tin Lành hiện nay chủ trương: “Chỉ cần tin là đủ!” Đâu là Sự Thật và lối sống mà các tín hữu phải theo? Thánh Phaolô khuyên: “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em đừng thông đồng với họ. Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng.”

[2] Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath.

[2.1] Lòng thương xót của Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

[2.2] Sự vô tâm của ông Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Chúng ta hãy xem thái độ của ông: Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabbath!"

[2.3] Chúa vạch trần sự sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”
Đứng trước những lời sửa dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

(1) Chúng ta phải biết mở lòng để sẵn sàng sửa chữa những niềm tin sai lầm và những thói quen xấu.

(2) Phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề luật bên ngoài.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,
    có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.
    Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.
    Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.
    Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.
    Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người

    Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.
    Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).
    Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.
    Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.
    Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.
    Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.
    Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.
    Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).

    Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.
    “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”
    Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.
    Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.
    Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.
    Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.
    Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).
    Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).
    Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),
    mà là trói buộc bằng xiềng xích.
    Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,
    để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.

    Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.
    Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.
    Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,
    nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.
    Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,
    nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.
    Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…
    Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,
    không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.
    Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.

    Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.
    Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.
    Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,
    với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,
    với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?
    Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,
    nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẨU NGUYỆN]

    Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
    nhờ thế Người là tất cả của tôi.
    Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
    nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
    đến với Người trong mọi sự,
    và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
    Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
    nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
    Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
    nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
    và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
    (R. Tagore)

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa