------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích sách Ngôn sứ I-sai-a
(6) Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa
tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.
(7) Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn
trùm lên muôn nước.
(8) Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau
khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi
ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.
(9) Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta
từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa
chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."
(10) Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ. (Is 25, 6-10)
------------
BÀI ĐỌC II ------------
Lời
Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê
(12) Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi
hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.
(13) Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.
(14) Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như
thế là phải.
(19) Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt
vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su.
(20) Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời!
A-men. (Pl 4, 12-14, 19-20)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
(1) Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:
(2) "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho
con mình.
(3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ
đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.
(4) Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với
quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ
rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!"
(5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại,
người thì đi buôn,
(6) còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
(7) Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy
và thiêu huỷ thành phố của chúng.
(8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ
đã được mời lại không xứng đáng.
(9) Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."
(10) Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập
hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
(11) "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có
một người không mặc y phục lễ cưới,
(12) mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có
y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì.
(13) Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại,
quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!
(14) Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít." (Mt 22, 1-14)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Giữ quân bình
cho cuộc sống
- Nhu cầu vật chất, nhất là ăn uống, có thể nói là nhu cầu căn bản nhất của
con người. Để có thể thỏa mãn nhu cầu này, con người phải dành hầu hết thời
gian để làm việc kiếm tiền, để chuẩn bị nấu nướng, và để thưởng thức. Tuy nhiên
đây không phải là nhu cầu duy nhất của con người, bên cạnh đó, con người còn có
những nhu cầu về tình cảm, hiểu biết, và nhất là mối tương quan với Thiên Chúa.
Các Bài đọc Chủ Nhật tuần này đều hướng về nhu cầu ăn uống, nhưng với những bài
học khác nhau.
- Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah hướng lòng con người về Bữa Tiệc Nước
Trời. Chỉ có Bữa Tiệc này mới hòan tòan thỏa mãn mọi khát vọng của con người.
- Trong Bài đọc II, thánh Phaolô dạy cho chúng ta biết làm chủ cuộc đời,
khi no cũng như khi đói, khi đầy đủ cũng như lúc tùng thiếu. Điều quan trọng là
biết trông cậy vào Chúa trong mọi lúc; chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn mọi nhu
cầu của con người.
- Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu gióng lên tiếng chuông để cảnh tỉnh mọi người:
Quá bận rộn với nhu cầu vật chất có thể làm cho con người quên đi hay từ chối lời
mời gọi của Thiên Chúa vào tham dự Bàn Tiệc Nước Trời.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài đọc I: Bàn Tiệc Nước Trời
Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước hòan cảnh đau khổ của dân
tộc Do-Thái khi phải sống lưu đày bên Assyria và Babylon. Họ sẽ phải đau khổ vì
đói khát, vì chết chóc, và vì bị Thiên Chúa bỏ rơi; nhưng ông cũng thấy trước
ngày Thiên Chúa sẽ khôi phục và cho họ trở về. Đó là ngày họ sẽ được hân hoan
vào dự Bàn Tiệc Nước Trời. Giống như cuộc lưu đày của dân Do-Thái, cuộc đời con
người cũng được ví như những chuỗi ngàu lưu đày xa Chúa, con người cũng ra sức
tìm kiếm để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc đời; nhưng con người sẽ không tìm
thấy bất cứ đâu ngòai Bàn Tiệc Nước Trời. Những nhu cầu căn bản được tiên tri
Isaiah ghi lại trong Bài đọc hôm nay:
(1) Hai nhu cầu căn bản cho cuộc sống con người là ăn và uống. Con người
ra sức làm việc và dành rất nhiều thời gian cho hai nhu cầu này, nhưng vẫn
không hòan tòan thỏa mãn cho đến ngày: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo
binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy,
rượu ngon tinh chế.”
(2) Con người có thể đạt mọi ước mơ trong cuộc đời: vợ đẹp, con khôn,
giàu có, danh vọng, quyền lực … Nhưng khi phải đối diện với tử thần, con người
không thể kéo dài cho đời mình dù chỉ một giây phút ngắn ngủi. Sự chết là nỗi
đau khổ lớn nhất của con người vì nó tước đọat tất cả những gì mà con người vất
vả xây dựng. Nhưng con người vẫn còn hy vọng thắng được cái chết, vì ngày ấy:
“Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên
muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.”
(3) Con người muốn hạnh phúc nhưng cuộc đời là bể khổ. Đau khổ vì trăm
ngàn thứ bệnh tật, đau khổ vì hận thù chiến tranh, đau khổ vì thiên tai bão lụt
... Con người chỉ tìm thấy sung sướng hạnh phúc trong Ngày ấy, ngày mà: “Đức
Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn
cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.”
(4) Không có sự dằn vặt nào lớn hơn sự dằn vặt của con người có mặt trong
cuộc đời mà không biết ai sinh ra mình. Không những thế, con người còn được
nghe và xem thấy rất nhiều những sự tốt lành và hứa hẹn của Đấng ấy, như lời của
Thánh Augustine trong tác phẩm Tự Thú: “Thiên Chúa dựng nên con cho Ngài, và hồn
con những khắc khỏai mong chờ, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.” Niềm mong
đợi sâu xa nhất của con người cũng sẽ được thỏa mãn trong Ngày đó, ngày mà người
ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và
đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.
Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."
Chỉ khi nào những niềm trông đợi trên của con người được hòan tòan thỏa
mãn thì “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.”
[2] Bài đọc II: Tin tưởng nơi Thiên Chúa hơn là tin tưởng
nơi con người.
[2.1] Cần luyện tập để trở thành con người có bản lãnh: Có những
người đã quá quen với cuộc sống sung túc nên cảm thấy rất đau khổ khi phải sống
thiếu thốn. Ngược lại, có những người đã sống trong cảnh nghèo lâu năm, không
biết phải cư xử làm sao khi bỗng chốc trở nên sang giầu vì trúng số hay được thừa
hưởng gia tài; rốt cuộc, tiền của cũng hết mà cuộc sống còn tàn tệ hơn trước.
Người có bản lãnh là người biết điều khiển cuộc sống mình trong mọi hòan cảnh
như thánh Phaolô: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.
Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng
ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi,
khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.”
[2.2] Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt
vời: Cái đau khổ nhất của con người là không tin nơi Thiên Chúa; vì thế, họ phải
vất vả để lo cho mình. Thánh Phaolô nhắc nhở những người này: “Thiên Chúa của
tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của
Người trong Đức Giêsu Kitô.” Hơn nữa, có những điều mà con người không thể tự
lo cho mình được: sức mạnh để chịu đau khổ, sự chết, ơn cứu độ. Một thái độ tin
tưởng nơi quyền năng và tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp con người sống vui vẻ, bình
an, và hạnh phúc trong cuộc đời hơn.
[3] Phúc Âm: Tiệc cưới Nước Trời: Kẻ được gọi thì nhiều, mà
người được chọn thì ít.
[3.1] Quan khách được mời vào dự tiệc cưới Nước Trời: Giống như
Bàn Tiệc Nước Trời trong Cựu Ước của tiên tri Isaiah, Chúa Giêsu cũng ví Nước
Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Người Vua này
là hình ảnh của Chúa Cha, Người Con đây là Chúa Giêsu, quan khách được mời là
người Do-Thái, dân riêng được Chúa tuyển chọn. Các đầy tớ của nhà Vua là các
tiên tri, các Tông Đồ, và những môn đệ của Chúa. Nhà vua tuy có quyền lực để
truyền lệnh hay bắt tới, nhưng ông rất kiên nhẫn sai các đầy tớ đi mời quan
khách ít là hai lần; nhưng các quan khách vẫn từ chối không chịu đến.
[3.2] Phản ứng của quan khách: Tuy nhà vua đã làm đủ mọi cách,
nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới. Phúc Âm tường thuật 2 phản ứng chính:
- Kẻ thì ra đồng, người thì ra tiệm: Phản ứng này có lẽ là thông thường
nhất. Con người vì quá bận rộn với công việc làm ăn khiến họ không còn thời giờ
và từ chối lời mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời.
- Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
Phản ứng của hạng người này thật khó hiểu: không đi thì thôi, tại sao lại bắt
người, sỉ nhục, và giết chết? Nếu chúng ta quan sát những gì đang xảy ra ở Hà-Nội,
chúng ta có thể hiểu phản ứng của những người này. Được mời gọi để tôn trọng
công bằng và sự thật, họ đáp lại bằng bất công, gian trá, đàn áp, và đe dọa tù
đày! Được mời gọi để hướng lên Trời suy nghĩ về đích điểm của cuộc đời, họ từ
chối không nhìn lên và tiếp tục nhìn vào những mối lợi vật chất mà họ sẽ mất. Nếu
đã được chứng kiến niềm tin của biết bao tín hữu coi thường cái chết và sẵn
sàng chịu đau khổ để làm chứng cho Tin Mừng, mà họ vẫn giả điếc làm ngơ thì con
người mới thấu hiểu được sự tức giận của nhà vua khi biết họ đối xử tàn tệ với
các đầy tớ của mình.
[3.3] Phản ứng của nhà Vua: Khi hay tin các phản ứng của quan
khách đối xử tàn tệ với các đầy tớ của mình, nhà Vua liền nổi cơn thịnh nộ và
làm 2 việc chính:
(1) Trước tiên, nhà vua sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ
thành phố của chúng. Sự phá hủy tan tành của Jerusalem vào năm 70 AD bởi đế quốc
Rôma có lẽ là những gì mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây.
(2) Thứ đến, nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những
kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai
cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất
luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. Vì
người Do-Thái khước từ không chịu tiếp nhận Con Thiên Chúa, nên Tin Mừng được
loan báo cho tất cả mọi người, mọi quốc gia, mọi thành phần trong xã hội: tốt
cũng như xấu.
(3) Dự tiệc cưới mà không mặc y phục lễ cưới: Khi nhà vua tiến vào quan
sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người
ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người
ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch:
"Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ
phải khóc lóc nghiến răng!” Nhiều người cho phản ứng của nhà Vua khó hiểu ở đây
vì những khách dự tiệc được mời sau không có thời giờ để chuẩn bị y phục lễ cưới.
Lý do này không vững chắc vì tại sao biết bao nhiêu người khác với hòan cảnh
tương tự như anh ta lại có thời giờ chuẩn bị? Hơn nữa, không phải tất cả những
người được mời là xứng đáng được chọn, như lời Chúa kết luận: “Vì kẻ được gọi
thì nhiều, mà người được chọn thì ít." Để được vào Nước Trời, con người cần
đáp ứng những điều kiện đưa ra bởi Thiên Chúa.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không có gì trên thế gian có thể thỏa mãn hòan tòan những khát vọng của
con người. Chỉ có Bàn Tiệc Nước Trời mới có thể thỏa mãn mọi khát vọng đó.
- Chúng ta cần phải ăn uống để sống, nhưng đừng quá lệ thuộc vào chúng mà
quên đi những nhu cầu khác. Như thánh Phaolô, chúng ta cần làm chủ cuộc sống
khi đói cũng như khi no; và trong mọi lúc, chúng ta phải luôn trông cậy vào
Chúa, là Đấng duy nhất có thể cho con người thỏa mãn hòan tòan.
- Chúng ta phải rất cẩn thận để đang khi phải lo lắng làm việc kiếm của
ăn cho thân xác, chúng ta đừng quên lời mời gọi của Thiên Chúa vào dự Tiệc Cưới
Nước Trời. Thiên Chúa đã gọi nhưng để được vào con người có tự do đáp trả, như
Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì
ít."
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóa“Thiên Chúa chúng ta chỉ toàn đưa ra những cấm đoán”,
một bạn trẻ đã bực bội nói như vậy
khi anh nhớ lại nền giáo dục mình phải chịu.
Thật ra Thiên Chúa không phải là người khắt khe.
Ngài mời chúng ta đến dự tiệc vui, tiệc cưới.
Ngài thích chia sẻ niềm vui và sự sống cho con người.
Ngài cần con người đáp lại lời mời đó,
để sự hiệp thông giữa đôi bên được trọn vẹn.
Có ai nếm được nỗi chờ mong của Thiên Chúa không
khi khách mời không chịu đến?
Có ai nếm được nỗi đau của Thiên Chúa không
khi con người hờ hững trước bữa tiệc
mà Ngài đã đặt vào đó cả lòng mình?
Tôi có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời:
Chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện gia đình, bè bạn,
chuyện giải trí, chuyện lo cho sự nghiệp tương lai...
Tôi có nhiều thứ ưu tiên khác
nên việc đến gặp gỡ Thiên Chúa
bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Biết bao lần chúng ta lỡ hẹn với Ngài,
từ chối niềm vui và sự sống đích thực
để chạy theo những cái bóng.
Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ sai người đi mời.
Bàn tiệc lúc nào cũng sẵn sàng.
Vấn đề là tôi có đến không,
tôi có đặt Chúa lên trên những bận tâm về mình không?
Dân tộc Do Thái chính thức được mời dự tiệc.
Thiên Chúa đă sai đến với dân Ngài yêu mến
những ngôn sứ và những nhà rao giảng Tin Mừng.
Nhưng họ đã khước từ và một số bị giết đi.
Bữa tiệc linh đình vốn dành cho khách quý
nay trở thành bữa tiệc cho mọi người
mà các đầy tớ tình cờ gặp ngoài đường phố.
“Từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ dự tiệc
cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp...”
Chúng ta là dân ngoại, được mời vào phòng tiệc,
được gia nhập Hội Thánh qua phép Rửa.
Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra,
vì không mang y phục lễ cưới.
Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời
vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội.
Chúng ta phải coi chừng
kẻo lại rơi vào sự tự mãn như người Do Thái.
Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh
đó không phải chỉ là những ơn để nhận,
mà còn là ơn để sống.
Mặc y phục lễ cưới là thực sự đổi đời,
là cho thấy mình coi trọng bữa tiệc của Chúa.
Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi
mình có mặc y phục lễ cưới không?
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org