------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê
(1) Chúng tôi,
Phao-lô và Ti-mô-thê, là những tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi mọi người
trong dân thánh kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su ở Phi-líp-phê, cùng kính gửi các vị
giám quản và trợ tá.
(2) Xin Thiên
Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
(3) Tôi cảm tạ
Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em.
(4) Tôi luôn vui
sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy,
(5) vì từ buổi đầu
cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.
(6) Tôi tin chắc
rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng
sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.
(7) Tôi có những
tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh
em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố
Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được.
(8) Có Thiên
Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của
Đức Ki-tô Giê-su.
(9) Điều tôi khẩn
khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được
ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,
(10) để nhận ra
cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì
đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.
(11) Như thế,
anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su
Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa. (Pl 1, 1-11)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(1) Một ngày
sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ
cố dò xét Người.
(2) Và kìa trước
mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.
(3) Người lên tiếng
nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: "Có được phép chữa bệnh
ngày sa-bát hay không? "
(4) Nhưng họ làm
thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.
(5) Rồi Người
nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng,
lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? "
(6) Và họ không
thể đáp lại những lời đó. (Lc 14, 1-6)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách giải quyết xung đột
Trong cuộc sống,
khác biệt ý kiến là điều không thể tránh khỏi vì trăm người trăm ý. Những khác
biệt ý kiến là nguyên nhân đưa tới xung đột khi con người phải bảo vệ quyền lợi
của mình. Khi xảy ra xung đột con người có thể rơi vào 2 phản ứng: hoặc cố gắng
giải quyết xung đột để con người có thể dung hòa chung sống với nhau hoặc tìm
cách khai trừ nhau bằng chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong Bài đọc I, Thánh
Phaolô nêu lên những hành động cần thiết để giúp con người có thể giải quyết những
xung đột. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chấp nhận lời mời dự tiệc tại nhà người Biệt-phái
để cho họ có cơ hội nhìn ra sự thật.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Mọi người đều góp phần trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
[1.1] Khiêm nhường: Đây là thái độ cần
thiết nhất cho việc giải quyết các xung đột vì kiêu ngạo là lý do đưa đến bất
hòa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê phải duy trì sự hiệp nhất trong
tinh thần khiêm nhường: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy
lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Phil 2:3).
[1.2] Mọi người đều góp phần trong Kế Họach
Cứu Độ của Thiên Chúa: Các tín hữu cần ý thức được vai trò của mọi người ở đời
này là góp phần trong việc mang Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ tòan hảo.
Vì thế, mọi người cần phải vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa khi thấy người khác
góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, chứ không ghen tị khi thấy người khác
thành công hay có được địa vị cao hơn trong Giáo Hội. Hơn nữa, mỗi người còn cần
phải cầu nguyện để mọi người luôn có được lòng hăng say rao giảng như gương của
Thánh Phaolô: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn
vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay,
anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.”
[1.3] Lấy tình thương lấp đầy mọi khác
biệt hay xung đột: Người Việt-Nam có lẽ nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của
tình thương trong việc giải quyết các xung đột khi nói: “Yêu nhau trăm sự chẳng
nề; một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.” Thánh Phaolô bày tỏ tình yêu của ngài
với các tín hữu Philipphê và ước mong họ cũng được thông phần với những đau khổ
của ngài: “Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp
lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc
tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận
được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với
tình thương của Đức Kitô Giêsu.”
Để tránh những
xung đột xảy ra trong gia đình hay cộng đòan, cha mẹ và những người lãnh đạo
không chỉ chứng tỏ tình yêu của mình bằng hành động, nhưng còn phải giáo dục, cầu
nguyện, và tạo bầu khí yêu thương cho mọi thành phần trong cộng đòan. Thánh
Phaolô ý thức được tầm quan trọng của đức mến trong sự hiệp nhất nên ngài luôn
cầu nguyện cho các tín hữu: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của
anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu
nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền
và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Như thế,
anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su
Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”
[2] Phúc
Âm: Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu
[2.1] Xung đột giữa Chúa Giêsu và những
người Pharisêu: Thánh Luca tường thuật 2 thái độ khác nhau:
(1) Thái độ của
ông Thủ Lãnh nhóm Pharisêu: Ông mời Chúa Giêsu dùng bữa và xếp đặt sẵn một người
bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sabbath;
(2) Thái độ của
Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc,
vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự thật để thay đổi lối sống giả hình.
[2.2] Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa
lành người bệnh: Không chút do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng
việc đặt câu hỏi với các Kinh-sư và những người Biệt-phái: "Có được phép
chữa bệnh ngày Sabbath hay không?" Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm
thinh có thể vì (1) không biết trả lời; hay (2) giả vờ như chuyện ấy không liên
quan gì tới mình. Các Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng thứ
hai.
Không chút sợ
hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi, và cho về. Rồi Người chất vấn họ:
"Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không
kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?" Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp
trên đất Palestine và là nguyên nhân các tai nạn cho con người cũng như súc vật
(x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng xảy ra, không ai thắc mắc có được
kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa
bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc cứu người cần làm. Tại sao họ lại
đặt thành vấn đề?
[2.3] Lối sống hai mặt của các Kinh-sư
và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo
nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn
cho những người thân cận hay cho tài sản của họ, và một tiêu chuẩn cho những
người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại những lời chất vấn của Chúa. Thánh
Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của những người Pharisêu này; nhưng hầu
hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở nên tức giận hơn và tìm cách để bắt
bớ Chúa.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có xung đột,
chúng ta cần có thái độ khiêm nhường và khách quan để nhìn ra sự thật; đừng để
những lợi nhuận làm mờ mắt đến nỗi chúng ta không nhìn ra sự thật.
- Trên hết mọi sự,
cần có nhân đức yêu thương để có thể hàn gắn những khác biệt và giải quyết mọi
xung đột.
- Để bảo đảm
công bằng, cần tiêu diệt lối sống hai tiêu chuẩn: một cho mình để bảo vệ người
thân và quyền lợi của mình, một cho tất cả những người khác.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaSau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).
Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không ?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).
Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org