------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô
(31) Trong các
ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng
đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.
(1) Giả như tôi
có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không
có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
(2) Giả như tôi
được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay
có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi
cũng chẳng là gì.
(3) Giả như tôi
có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
(4) Ðức mến thì
nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
(5) không làm điều
bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,
(6) không mừng
khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
(7) Ðức mến tha
thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
(8) Ðức mến
không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ
chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.
(9) Vì chưng sự
hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.
(10) Khi cái
hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.
(11) Cũng như
khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy
nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì
là trẻ con.
(12) Bây giờ
chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây
giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa
biết tôi.
(13) Hiện nay đức
tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (I
Cor 12, 31-13:13)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(31) Vậy tôi phải
ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?
(32) Họ giống
như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc
than".
(33) Thật vậy,
ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo:
"Ông ta bị quỷ ám".
(34) Con Người đến,
cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè
với quân thu thuế và phường tội lỗi".
(35) Nhưng Ðức
Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho". (Lc 7, 31-35)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan trọng của đức mến.
Tình yêu là một
đề tài vô tận của các văn sĩ, thi sĩ. Các tuyệt tác có được là nhờ những cảm hứng
đến từ nguồn tình yêu của Thiên Chúa, tổ quốc, cha mẹ, anh chị em, và tha nhân.
Chương 13 trong Thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Corintô là một chương phân
tích tuyệt vời về tình yêu. Ngược lại, khi con người không có tình yêu, tất cả
sẽ trở nên vô nghĩa và ngay cả trở thành hỏa ngục như triết gia hiện sinh J.P.
Sartre nhân định: “Con người là hỏa ngục cho nhau.” Một tìm hiểu chi tiết về
các Bài đọc hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị quan trọng của tình yêu và
mong muốn tập luyện để có được tình yêu. Khi có được tình yêu, chúng ta sẽ dễ
dàng tránh khỏi những tật xấu như các Biệt-phái và Kinh-sư mà Chúa Giêsu trách
hôm nay.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Đức mến thì cao trọng hơn cả.
[1.1] Sự quan trọng của đức mến: Biết
con người có khuynh hướng tìm những gì cao trọng nhất, thánh Phaolô khuyên:
“Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất.
Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.” Con đường này là
con đường yêu mến mà thánh Thêrêxa Hài Đồng cũng xác nhận: “Ơn gọi của con là
Yêu.” Có nhiều nghĩa của chữ “yêu,” nhưng thánh Phaolô dùng chữ “đức mến” để
nói lên tình yêu trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Ngài so sánh sự quan trọng của
“đức mến” với một số ơn cao trọng khác:
- Với ơn nói tiếng
lạ: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần
đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì” Biết các thứ tiếng là
một chuyện nhưng biết dùng những thứ tiếng đó để mưu ích cho tha nhân là chuyện
khác. Nếu không biết dùng ơn nói tiếng lạ thì có khác gì chiếc “thùng rỗng kêu
to” hay nói như thánh Phaolô: “thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.”
- Với ơn nói
tiên tri, ơn hiểu biết, và ơn đức tin: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được
biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến
chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” Tiên tri là
nói thay cho Chúa để hướng dẫn và đem con người về với Chúa. Có những tiên tri
ghét người đến độ không muốn kẻ thù trở về để được cứu (trường hợp của tiên tri
Jonah). Điều nguy hiểm thường thấy nơi những người học cao hiểu rộng là tính tự
kiêu, cho mình là hơn người và khinh thường tất cả những người khác. Rất nhiều
người hiểu biết đã từ chối Thiên Chúa! Người có một đức tin mạnh cũng thế, họ
nghĩ ai cũng phải có một đức tin mạnh như họ và bắt mọi người cũng phải làm những
việc như họ làm; nhưng họ quên để có một đức tin như thế, họ đã phải dùng nhiều
thời gian và trải qua biết bao sa ngã!
- Với những việc
bác ái và anh hùng: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp
cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì
cho tôi.” Việc tốt lành thôi cũng chưa đủ, cần có những ý hướng tốt lành nữa.
Có những người đem cho hết gia tài chỉ để mua danh tiếng, chứ không cho vì
thương người. Có những người tìm tử đạo để giải thóat cuộc đời đau khổ của mình
chứ không để làm chứng nhân cho Chúa.
[1.2] Định nghĩa về đức mến:
- Đức mến thì nhẫn
nhục và nhân hậu: Tiếng Hy-Lạp có hai phân từ dùng cho kiên nhẫn: kiên nhẫn đợi
cơ may tới và kiên nhẫn với con người. Phân từ kiên nhẫn (makrothumein) xử dụng
bởi các thánh ký trong Tân-Ước luôn hàm chứa sự kiên nhẫn với con người. Thánh
John Chrysostom cắt nghĩa: Phân từ này được dùng cho người bị đối xử cách sai
trái; tuy ông có quyền và có cơ hội để trả thù nhưng đã không làm. Trái lại,
ông muốn tự người đó nhận ra sự sai trái của họ bằng những việc tốt lành ông
làm cho họ.
Chúa Giêsu cũng
đã từng dạy các môn đệ hãy có sự kiên nhẫn này qua việc yêu thương và làm ơn
cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bắt bớ… để có thể trở nên hoàn thiện như
Cha trên trời. Kiên nhẫn như thế không phải là yếu đuối nhưng là sức mạnh,
không phải là thua cuộc nhưng là cách tốt nhất để chinh phục kẻ thù. Lịch sử có
nhiều người đã dùng cách thức này và không ai dùng cách hiệu quả hơn Chúa Giêsu
trên Thập Giá. Nhiều người Công Giáo có đức tin vững mạnh và cuộc đời liêm
chính nhưng chưa đủ để chinh phục người khác về cho Chúa vì thiếu tính thương
người. Họ dễ dàng đứng về phía kẻ mạnh để áp bức người cô thân cô thế.
- Đức mến không
ghen tương, không vênh vang, không tự đắc: Người đời thường nói: “Chỉ có hai hạng
người trên thế gian: triệu phú và muốn thành triệu phú.” Có hai loại ghen
tương: vì ham muốn tài sản của người khác và vì muốn họ phải mất những gì họ
đang có. Loại ghen tương thứ nhất có thể hiểu vì là tính con người. Loại ghen
tương thứ hai là do bởi sự xui dục của ma quỉ: muốn tha nhân phải chịu đau khổ
để mình được thỏa mãn. Ví dụ: một học sinh muốn được điểm A như những học sinh
giỏi là điều thông thường; nhưng lại muốn khi mình được điểm A thì các học sinh
khác phải không được A như mình! Có những người khi có những gì người khác
không có hay được quyền cao chức trọng thì kiêu hãnh tự đắc, coi mình như cái rốn
của vũ trụ. Họ khoe khoang để mọi người được biết, bắt người khác phải quỵ lụy
mình, và khinh thường tha nhân. Các Kinh-sư và Biệt-phái trong Phúc Âm là những
tiêu biểu cho mẫu người này.
- Đức mến không
cư xử bất xứng (làm điều bất chính), không tìm tư lợi: Trong tiếng Hy-Lạp, từ
cư xử bất xứng (avschmone,w) có hai nghĩa: (1) một hành động ngược lại với những
tiêu chuẩn luân lý như lối sống vô luân (1 Cor 7:36); (2) một hành động ngược lại
với những tiêu chuẩn xã hội như cách cư xử vô lễ, bất lịch sự, hay không đúng
phép xã giao (1 Cor 13:5). Ở đây, thánh Phaolô có lẽ nhấn mạnh vào nghĩa thứ
hai hơn. Nhiều người cũng nhận xét có hai loại người trên thế gian: một loại chỉ
tìm lợi lộc cá nhân, luôn đòi được hưởng đặc quyền và một loại chỉ để ý đến bổn
phận phải đóng góp để tiếp tục phát triển. Để xây dựng xã quốc gia, có người đã
đề nghị: Đừng đòi hỏi quốc gia phải làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn có thể
làm gì để xây dựng quốc gia. Cũng thế, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta
đừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm gì cho mình, nhưng hãy tự hỏi mình có thể làm gì
để xây dựng Giáo Hội.
- Đức mến không
nóng giận, không nuôi hận thù: Nóng giận là không làm chủ được con người mình,
là thiếu kiên nhẫn. Nóng giận có thể vi phạm trầm trọng đức mến trong lời nói
cũng như trong hành động. Bác ái thì xây dựng trong khi nóng giận có thể phá hủy
tất cả những gì mà mình và người khác đã xây dựng lâu năm. Động từ “nuôi” trong
tiếng Hy-Lạp là động từ dùng trong lãnh vực kế tóan (logizeshthai): phải vào sổ
sách tất cả để đừng quên sót. Một trong những nghệ thuật sống là học để quên,
nhưng nhiều người luôn nhớ rành mạch tất cả những gì xấu người khác đã đối xử với
mình. Có những cha mẹ khi đánh con là đánh và kể luôn tất cả mọi tội con đã phạm
từ khi bắt đầu bị đánh tới giờ! Nhớ tất cả các tội của người khác là cách hiệu
quả nhất để giết chính mình và giết tha nhân.
- Đức mến không
mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật: Nhiều người lại có
khuynh hướng ngược lại: mừng khi thấy điều dữ xảy ra cho người mình không thích
và không vui khi thấy họ được mọi sự lành bằng an. Khi đọc, nghe, hay xem tin tức
trên các phương tiện truyền thông, nếu không thấy những điều dữ xảy ra là kết
luận tin tức hôm nay chẳng có gì đặc biệt cả. Các con buôn muốn bão cấp 2 sẽ trở
thành bão cấp 5 để có thể kiếm lời bằng cách tăng giá những gì dân chúng cần,
vì họ biết bão sẽ chẳng làm thiệt hại gì đến họ.
- Đức mến che chở
tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, và chịu đựng tất cả: Động từ “che chở”
được dịch từ tiếng Hy-Lạp “ste,gw” đến từ danh từ “ste,gh” có nghĩa là mái nhà.
Động từ được dùng cho việc lợp mái nhà để giữ những người trong nhà khỏi mưa nắng.
Có lẽ thánh Phaolô muốn dùng từ này ở đây để nói lên rằng một khi có đức mến,
con người có thể tìm mọi cách để che chở khuyết điểm của tha nhân, không để tội
lỗi họ bị phơi bày ra cho người khác thấy. Tin tưởng tất cả có hai chiều kích:
Trước tiên, tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng có thể làm được mọi sự. Sau đó,
tin tưởng nơi tha nhân có khuynh hướng tôn trọng Sự Thật, yêu những gì tốt
lành, và quí mến mọi sự tốt đẹp. Với niềm tin như thế, con người có quyền hy vọng
những gì họ mong đợi sẽ đến và sẽ không ngần ngại kiên trì hy sinh chịu đựng
đau khổ để tha nhân được sống. Như những nhà nông, người có đức mến sẽ làm tất
cả những gì họ có thể làm được, chịu dầm mưa giãi nắng; sau đó, họ đặt trọn niềm
tin tưởng vào Trời sẽ ban cho một mùa gặt tốt đẹp.
[1.3] Tại sao đức mến quan trọng? Thánh
Phaolô trả lời bằng cách so sánh đức mến với các ơn gọi khác về tính thời gian,
sự hoàn hảo, và sự cao trọng tuyệt đối. Sau khi so sánh, Ngài kết luận: “Đức mến
không bao giờ mất được.”
- Về tính thời
gian: Ơn nói tiên tri cũng chỉ nhất thời. Khi Chúa cần phải sửa dạy dân chúng,
Ngài sẽ dùng các tiên tri. Nhưng khi những gì Chúa muốn đã đạt được, Ngài không
cần đến vị tiên tri đó nữa. Ơn nói các tiếng lạ cũng có ngày sẽ hết như ơn tiên
tri. Khi về trời, hoặc tất cả chỉ xử dụng một ngôn ngữ hoặc tất cả sẽ được Chúa
ban ơn để hiểu mọi thứ tiếng.
- Về sự hiểu biết:
Ơn hiểu biết cũng chỉ nhất thời và giới hạn vì sự hiểu biết thì có ngần; khi
cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Thánh Phaolô dùng hai hình
ảnh để dẫn chứng sự bất toàn của ơn hiểu biết:
* So sánh sự hiểu
biết của trẻ con và của người trưởng thành: Cũng như khi tôi còn là trẻ con,
tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng
khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Sự hiểu biết
ở thế gian này cũng bất toàn như sự hiểu biết của con trẻ; một khi đã về hưởng
hạnh phúc với Chúa thì sự hiểu biết sẽ hoàn hảo như sự hiểu biết của người đã
trưởng thành.
* So sánh sự hiểu
biết qua gương và qua người thật: Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm
gương, mai sau sẽ được gặp Thiên Chúa mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần
có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.
- Về sự toàn hảo:
Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả
là đức mến. Đức tin cần thiết khi chưa gặp được Chúa; một khi đã gặp được Ngài,
đức tin sẽ không cần thiết nữa. Đức cậy là hy vọng những gì mình chưa có; một
khi đã có rồi, đức cậy cũng sẽ không cần thiết. Chỉ có đức mến là tồn tại, một
khi đã yêu rồi thì cứ tiếp tục yêu; nồng độ của tình yêu sẽ thắm thiết hơn và hoàn
hảo hơn.
[2] Phúc
Âm: Thói quen phê bình, chỉ trích
Một trong những
đặc tính của trẻ là chúng sống theo cảm xúc nhất thời: khi nào muốn ăn là ăn,
muốn chơi là chơi. Chúng không cần biết những ước muốn của chúng có hợp lý
không cho tới khi bị cha mẹ ngăn cấm và tập cho chúng biết sống kỷ luật. Nếu
không được cha mẹ tập để sống theo kỷ luật, đứa trẻ sẽ tiếp tục những thói quen
đó dầu chúng đã trở thành người lớn. Chúa Giêsu ví các Kinh-sư và Biệt-phái như
những đứa trẻ này vì họ không chịu sống theo đường lối của Thiên Chúa đã họach
định mà cứ ngoan cố sống theo sở thích mình: “Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ
gọi nhau mà nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.”
Vì các Kinh-sư
và Biệt-phái lấy mình làm tiêu chuẩn để phê bình người khác nên họ không thỏa
mãn với bất cứ ai có lối sống khác họ. Họ phê bình Gioan Tẩy Giả là bị quỷ ám
vì ông không ăn bánh, không uống rượu như họ. Khi Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng
uống như ai, thì họ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế
và phường tội lỗi.”
Tuy vậy, kế họach
của Thiên Chúa không vì họ mà phải thay đổi vì vẫn có những người sống theo Đức
Khôn ngoan chỉ dẫn. Vẫn có những người nghe theo lời giảng của Gioan Tẩy Giả, bỏ
đường tội lỗi, và quay trở về với Chúa. Những người này sẽ là bằng chứng hùng hồn
cho sự khôn ngoan và kế họach của Thiên Chúa. Các Kinh-sư và Biệt-phái có thể
làm trở ngại, nhưng không thể thắng vuợt được Đức Khôn Ngoan của Ngài.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức mến có thể
ví như máu lưu thông trong cơ thể. Máu cần cho sự sống không phải chỉ cho thân
thể mà còn tất cả các chi thể. Chi thể nào mà máu không vận chuyển tới sẽ bị
đau và nếu không được chữa trị kịp thời sẽ chết. Cũng vậy, tình yêu là động lực
cho tất cả mọi hành động của con người: vì yêu Chúa và yêu tha nhân, con người
dám hy sinh chịu đựng đau khổ để toàn Thân Thể của Chúa Kitô được lành mạnh.
Không có tình yêu mọi công việc sẽ bị đình trệ và dần dần tắt hẳn và cuộc sống
sẽ trở nên vô nghĩa. Như lời Thánh Thêrêxa Hài Đồng nói: “Không có tình yêu
Giáo Hội sẽ không còn và máu tử đạo cũng sẽ hết.”
- Khi thiếu vắng
tình yêu, con người sẽ trở nên cau có, gắt gỏng, khó chịu. Họ sẽ không hài lòng
về bất cứ những gì xảy ra, và sẽ luôn tìm những điều xấu của tha nhân để có lý
do phê bình. Ngược lại, một khi được ở trong tình yêu, con người sẽ dễ dàng
thông cảm và tha thứ mọi khuyết điểm của tha nhân, đúng như lời ca dao Việt-Nam:
Yêu
nhau yêu cả đường đi - Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.
Yêu
nhau biết mấy cho vừa - Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaĐức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org