22 tháng 9, 2014

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích sách Châm Ngôn

(1) Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy,
Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người.
(2) Con người cho lối sống của mình là ngay thẳng,
nhưng Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can.
(3) Thực thi điều công minh chính trực
thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ.
(4) Mắt kiêu hãnh, lòng tự cao,
vẻ hào nhoáng của ác nhân : thảy đều là tội lỗi.
(5) Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận,
ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo.
(6) Kho tàng thu tích nhờ môi miệng điêu ngoa
là hơi thở thoáng qua, là bẫy làm thiệt mạng.
(10) Lòng ác nhân ước ao sự dữ,
ngay bạn bè, nó chẳng để mắt thương.
(11) Phạt đứa ưa chế giễu, kẻ khờ dại nên khôn,
dạy bảo người khôn, người khôn càng hiểu biết.
(12) Đấng Công Chính xem xét nhà của ác nhân,
bắt ác nhân lâm vòng tai hoạ.
(13) Kẻ bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế,
đến lúc nó kêu, sẽ chẳng được đáp lời. (Cn 21, 1-6, 10-13)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(19) Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.
(20) Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”
(21) Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8, 19-21)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghe và thực hành Lời Chúa.

Sống trong cuộc đời con người không chỉ sống cho mình, nhưng phải sống hài hòa với ba mối tương quan: con người với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới. Khi có xung đột giữa các tương quan, con người phải biết sống theo ý Thiên Chúa trước và trên hết, sau đó mới tới tương quan với tha nhân, và sau cùng là tương quan với thế giới. Nếu không chịu sống các mối tương quan và sống theo thứ tự ưu tiên của nó, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả xấu dù có biết hay không. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh trọng tâm này và chỉ cho con người thấy tại sao phải luôn tìm hiểu và thực hành thánh ý Chúa trong cuộc đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Những lời khuyên thực tiễn trong cuộc sống

(1) Sống ngay thẳng và khiêm nhường trước thiên nhan Chúa: Khi nắm trong tay uy quyền, con người nghĩ mình muốn làm gì thì làm; nhưng họ không biết là họ đang bị điều khiển bởi chính Chúa. Chúa có thể dùng Nebuchadnezzar, vua Babylon như chiếc roi để đánh phạt Dân Chúa; hay dùng Cyrus, vua Ba-Tư như khí cụ để cho Dân Chúa được hồi hương và xây dựng lại Đền Thờ, như Sách Châm Ngôn nói: “Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy, Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người.”

(2) Sống bằng sự làm việc chăm chỉ của mình: Con người thường có khuynh hướng làm giầu nhanh chóng. Họ dám dùng bất cứ thủ đọan nào để đạt được mục đích của họ. Họ quên đi rằng của cải có được nhờ siêng năng làm việc sẽ tồn tại lâu dài, còn của có được nhờ thủ đọan sớm hay muộn rồi cũng tiêu tan. Không biết bao nhiêu người muốn làm triệu phú cách nhanh chóng nên vội vàng đem hết những gì mình đã dành giụm được để đầu tư vào những thứ mà họ nghĩ sẽ sinh lời nhanh như thị trường chứng khóan, vé số, nhà cửa. Rốt cuộc lời đâu chẳng thấy mà vốn cũng hết sạch. Những lời của Sách Khôn Ngoan báo trước những điều này: “Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận, ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo. Kho tàng thu tích nhờ môi miệng điêu ngoa là hơi thở thoáng qua, là bẫy làm thiệt mạng.”

(3) Sống làm sao để được Chúa chúc lành: Điều khốn khổ nhất cho con người là sống như không có Chúa. Vì không tin “Trời cao có mắt,” nên họ cũng chẳng thương xót gì tha nhân. Họ sẵn sàng chà đạp quyền lợi tha nhân để đạt được điều họ mong muốn. Nhưng rồi Chúa sẽ mở mắt để họ nhìn thấy các việc làm của họ khi bắt họ chịu đựng đau khổ. Họ có kêu cầu cũng không được Ngài nhận lời vì họ đã không biết thương xót tha nhân. Sách Khôn Ngoan dạy: “Lòng ác nhân ước ao sự dữ, ngay bạn bè, nó chẳng để mắt thương… Đấng Công Chính xem xét nhà của ác nhân, bắt ác nhân lâm vòng tai hoạ. Kẻ bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế, đến lúc nó kêu, sẽ chẳng được đáp lời.”

[2] Phúc Âm: Ai nghe và làm theo Lời Chúa trở nên mẹ và anh em của Chúa.

(1) Những người trong gia đình không luôn luôn là những người ủng hộ Chúa. Phúc Âm Marcô thuật lại việc họ tính đi bắt Chúa về vì nghĩ Chúa bị mất trí (Mk 3:21). Trong Phúc Âm Matthêu, Chúa cũng báo trước kẻ thù là người nhà mình (Mt 10:36). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những người hiểu và quí mến mình thường không phải những người trong gia đình mình. Bạn tâm giao là những người cùng nhắm chung một hướng đi, có cùng một sở thích, và có thể sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để hy sinh cho nhau.

(2) Nghe và làm theo ý Thiên Chúa là trở nên Mẹ và anh em của Chúa. Chúa Giêsu không chỉ dạy hay đòi hỏi điều kiện này, nhưng chính Ngài đã sống làm gương trước cho mọi người. Ngài chấp nhận sứ vụ Nhập Thể - Cứu Độ là vì vâng lời Thiên Chúa và yêu thương con người khi Ngài nói: “Ta đến từ Trời không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và đây là ý của Chúa Cha Đấng sai Ta là Ta không nên để mất bất cứ ai Ngài đã ban cho Ta, nhưng cho sống lại trong Ngày Tận Thế” (Jn 6:38-39). Để có thể làm được điều này đòi hỏi con người phải biết từ bỏ ý riêng và một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa.

(3) Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không khinh thường Mẹ và các Tông Đồ của Ngài vì Đức Mẹ và các Tông Đồ là những người đã nghe và làm theo Lời Chúa. Trong biến cố Truyền Tin, Đức Mẹ đã từ bỏ ý riêng muốn sống đời độc thân để thưa “Xin Vâng” với kế họach cứu độ của Chúa, và sống lời “Xin Vâng” này suốt cuộc đời. Không những thế, chính Đức Mẹ còn khuyên những người giúp việc trong tiệc cưới Cana: “Hễ Người bảo gì, hãy làm như vậy.”

Các Tông Đồ cũng thế, các ngài đã mạnh dạn bỏ nghề nghiệp đi theo Chúa, làm việc cho Chúa, và đổ máu đào hy sinh cho Chúa. Đức Mẹ và các Tông Đồ đã trở nên Mẹ và những người anh em đầu tiên của Chúa.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người chúng ta chỉ là tạo vật và khí cụ Chúa dùng mà thôi. Dẫu ý thức hay không ý thức, tất cả mọi người chúng ta đều làm theo ý định của Thiên Chúa. Vì Chúa là Người điều khiển cuộc đời nên chúng ta phải cố gắng tìm ra và làm theo ý Thiên Chúa.

- Điều bất hạnh nhất trong cuộc đời là con người sống như không có Thiên Chúa. Vì không tin có Ngài nên họ cũng chẳng thương gì đến tha nhân, ngay cả cha mẹ và những người trong gia đình. Do đó, điều quan trọng nhất cha mẹ cần phải dạy cho con mình là biết kính sợ Thiên Chúa; vì kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi khôn ngoan.

- Điều kiện không thể thiếu để trở nên người nhà của Thiên Chúa là biết lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa, chứ không phải chỉ cần mang danh hiệu là “Kitô hữu.”

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
    mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
    Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
    Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
    bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
    Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
    Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
    thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
    Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
    “Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).

    Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
    Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
    Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
    Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
    “Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
    và đem ra thực hành” (c. 21).

    “Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
    Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
    Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
    người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
    Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
    Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
    Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
    Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
    Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
    để trở thành mẹ và anh em của Ngài.

    Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
    Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
    Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
    và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
    Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
    Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
    bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
    họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
    Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
    Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
    nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.

    Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
    Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
    Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
    Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
    Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
    vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa Giêsu,
    con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

    Chúng con thường xây nhà trên cát,
    vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
    nhưng lại không dám đem ra thực hành.
    Chính vì thế
    Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

    Xin cho chúng con
    đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
    đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

    Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
    để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

    Ước gì ngôi nhà đời chúng con
    được xây trên nền tảng vững chắc,
    đó là Lời Chúa,
    Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa