14 tháng 9, 2014

Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên - Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

 ------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô

(17) Nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại.
(18) Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng.
(19) Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn.
(20) Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.
(21) Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say.
(22) Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!
(23) Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,
(24) dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy".
(25) Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy"
(26) Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
(33) Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. (I Cor 11, 17-26, 33)

 ------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an

(25) Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.
(26) Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."
(27) Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiểu tình yêu Thiên Chúa qua các biến cố để rồi biết cử hành những biến cố này với tâm tình yêu thương.

Ngày hôm qua chúng ta mừng trọng thể Lễ Suy Tôn Thánh Giá để cám ơn tình yêu vô biên Chúa Giê-su dành cho chúng ta qua cái chết hy sinh của người trên Thập Giá. Ngày hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi để cám ơn tình yêu thông công của Đức Mẹ dành cho Chúa Giê-su và cho chúng ta, vì đau khổ của con cũng là đau khổ của Mẹ.

Các bài đọc hôm nay tường thuật hai biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Trong bài đọc I, thánh Phaolô thẳng thắn phê bình cộng đoàn Corintô về cách họ cử hành bữa ăn huynh đệ và làm mất đi ý nghĩa đích thực của Bữa Tiệc Tình Yêu. Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su đã chứng tỏ tình yêu vô biên của người cho nhân loại bằng việc hy sinh chết trên Thập Giá. Mẹ Maria, các người phụ nữ thân tín và người môn đệ Chúa Giê-su yêu mến đã can đảm đứng dưới chân Thập Giá để thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Thánh Phaolô khiển trách cách đón tiếp nhau trong Bữa tiệc Tình Yêu của cộng đoàn Corintô.

[1.1] Ý nghĩa của Bữa Tiệc Tình Yêu: Đây là lần đầu tiên những gì Chúa Giê-su đã làm trong Bữa Tiệc Ly được truyền lại qua Thư của Thánh Phaolô gởi cho cộng đoàn Corintô (~52AD). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng tường thuật biến cố này nhưng sau cả gần 20 năm. Thánh Phaolô viết: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."”

Một trong những quan tâm hàng đầu của thánh Phaolô là tinh thần hiệp nhất giữa các tín hữu, và ngài thẳng thắn loại bỏ tất cả những gì làm cớ gây chia rẽ trong cộng đoàn. Các tín hữu đầu tiên của cộng đoàn Corintô có lẽ không hiểu ý nghĩa và mục đích của Bữa tiệc Tình Yêu nên họ coi như một bữa ăn chung thường xảy ra nơi bất cứ cộng đoàn nào, trong đó mỗi người tham dự mang một món ăn hay đồ uống để góp phần ăn chung với gia chủ đứng ra tổ chức. Trong những bữa tiệc như vậy, con người có khuynh hướng ngồi cùng bàn với những người nào mà họ có thể dễ dàng nói chuyện với, chẳng hạn cùng ngôn ngữ, cùng giai cấp trong xã hội, cùng một phe đảng chính trị …

[1.2] Thái độ các tín hữu phải có khi cử hành Bữa Tiệc Tình Yêu: Theo thánh Phaolô, Bữa Tiệc Tình Yêu không được giống như những bữa tiệc này vì Bánh ăn đây chính là Mình Chúa và rượu uống đây chính là Máu Chúa. Dĩ nhiên, những cộng đoàn tiên khởi này chưa có bánh và rượu cùng các lễ nghi như chúng ta có bây giờ; nhưng ý nghĩa của bánh và rượu là Mình và Máu Chúa đã được các Tông Đồ truyền lại ngay từ những năm đầu tiên sau khi Chúa sống lại. Có nhiều lý do thánh Phaolô nêu ra tại sao các tín hữu cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Thứ nhất là để nhớ lại Chúa Giê-su như chính Ngài đã dặn: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thứ hai là để loan truyền việc Chúa chịu chết như của lễ hy sinh đền tội cho con người cũng như Ngài nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”

Chúng ta thấy thần học về thân thể của thánh Phaolô vẫn hiện diện trong Bữa tiệc Tình Yêu: Nếu các tín hữu tới ăn Bánh là ăn chính Mình Chúa và uống Rượu là uống chính Máu Chúa, thì tất cả sẽ trở nên một Thân Thể và sự sống nơi các tín hữu chính là Máu của Đức Kitô. Hiểu như thế, Bữa tiệc Tình Yêu phải là mối giây liên kết các tín hữu lại với nhau, và là cơ hội để mọi người chứng tỏ tình tương thân tương ái. Thế mà những điều ngược lại đã xảy ra nơi cộng đoàn Corintô. Bữa tiệc Tình Yêu trở thành cớ gây chia rẽ giữa người giầu và người nghèo! Những buổi họp cộng đoàn lẽ ra phải mang nhiều lợi ích thì lại gây nhiều thiệt hại.

Vì vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài phải thay đổi thái độ và thói quen của họ khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Họ phải chờ đợi cho mọi người đến đông đủ rồi hãy cử hành, đừng có thói quen ai tới trước ăn trước và ai tới sau ăn sau. Nếu sợ đói không chờ đợi được thì hãy ăn ở nhà trước khi tới. Khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu, họ phải chú trọng đặc biệt tới các anh chị em nghèo không có nhiều hay không có gì để đóng góp. Đừng để những anh chị em này mang mặc cảm nghèo hèn vì trong cùng một Thân Thể của Đức Kitô, những bất công giữa kẻ giầu và người nghèo phải được san bằng như cộng đoàn lý tưởng trong Công Vụ Tông Đồ: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.”

[2] Phúc Âm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

[2.1] Những người trung thành đứng dưới chân Thánh Giá:

 (1) Bốn người đàn bà: Dưới chân Thập Giá, thánh Gioan tường thuật có bốn người phụ nữ, ba người có tên là Maria. Chúng ta thử nhận diện bốn người phụ nữ này: Trước tiên là Đức Trinh Nữ Maria mà thánh sử Gioan gọi là “thân mẫu ngài.” Người thứ hai, thánh sử gọi là “chị của thân mẫu ngài;” nhưng không cho biết tên. Nếu chúng ta so sánh với Phúc Âm Nhất Lãm, người phụ nữ này chính là Salome, mẹ của Giacôbê trẻ và Joseph (x/c Mk 15:30, 16:1). Người thứ ba được gọi là “Maria, vợ của Clopas.” Có người cho ông Clopas này chính là Cleopas, một trong hai môn đệ được đồng hành với Chúa sau khi ngài sống lại trên đường Emmaus (Lk 24:18); nhưng giả thuyết này không chắc chắn cho lắm. Người sau cùng Gioan gọi là Maria Magdalene. Đây là người phụ nữ của làng Magdala mà Chúa đã chữa khỏi bảy quỉ, và bà đã luôn theo Chúa từ đó (Lk 8:2). Bà cũng là người đầu tiên ra mộ Chúa và chạy về báo tin cho các môn đệ; sau đó, bà được Chúa Giê-su gọi đích danh và truyền mang Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ của Chúa (Jn 20:1-18).

(2) Chỉ có một người đứng dưới chân Thập Giá với bốn người phụ nữ mà tác giả gọi là “người môn đệ mà mình (Chúa Giê-su) thương mến.” Ai là người môn đệ này? Có ít nhất là hai ý kiến khác nhau. Một số cho là chính môn đệ Gioan. Tại sao Gioan muốn dấu tên ông? Có thể là vì ông khiêm nhường. Ý kiến này được đa số chấp thuận. Một số khác cho người môn đệ đó có thể là bất cứ ai đã nhận ra Đức Kitô và được ngài yêu mến. Mục đích tại sao Gioan viết Phúc Âm của ông là để cho mọi người nhận biết Đức Kitô và tin vào ngài. Vì thế, Gioan muốn xử dụng thành ngữ “người môn đệ mà ngài thương” để chỉ bất cứ ai được Chúa Kitô yêu mến. Ý kiến này không được chấp nhận bởi đa số.

[2.2] Cuộc trao đổi kỳ diệu dưới chân Thập Giá: Trên Thập Giá đau đớn, Đức Kitô không quan tâm đến cái chết của ngài, nhưng chỉ quan tâm đến những người thân còn đang sống trong thế giới. Đây là lý do chính của cuộc trao đổi diệu kỳ dưới chân Thập Giá.

(1) Chúa Giê-su trối Mẹ của ngài cho nhân loại: Ngài nói với Mẹ ngài, “Thưa Bà! Đây là con Bà.” Một số người cho lý do tại sao Chúa Giê-su trối Mẹ ngài cho môn đệ vì ngài không còn sống trên cõi đời để chăm sóc cho Mẹ. Ngài đã tìm thấy cho Mẹ người môn đệ thân tín để chăm sóc Mẹ thay cho ngài. Đây không phải là lý do chính. Chúa Giê-su muốn Mẹ ngài trở thành người Mẹ của toàn thể nhân loại; người môn đệ chỉ là đại diện cho toàn thể mà thôi. Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của người môn đệ; nhưng còn là Mẹ của toàn thể nhân loại.

(2) Chúa Giê-su đặt Mẹ là Mẹ của toàn thể nhân loại: Ngài nói với người môn đệ, “Đây là Mẹ anh!” Chúa Giê-su không chỉ muốn Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại; ngài còn muốn người môn đệ và tất cả mọi người nhận Mẹ Maria là Mẹ của họ. Vì nếu cả hai bên đều chấp nhận cuộc trao đổi, cả hai đều được lợi ích từ đó. Để chứng tỏ sự đồng ý, người môn đệ đã đưa Mẹ Maria về nhà mình để săn sóc kể từ đấy.

Nếu một người suy nghĩ theo tiêu chuẩn con người, anh có thể nghĩ cuộc trao đổi sẽ lợi ích cho Đức Mẹ hơn; vì Mẹ sẽ có người để săn sóc cho mình. Nhưng nếu một người suy nghĩ theo tiêu chuẩn thiêng liêng, Đức Mẹ sẽ trở thành Mẹ Sầu Bi suốt đời. Từ giờ đó trở đi, Mẹ phải gánh chịu mọi khổ đau của nhân loại. Nhiều người nói rằng đó là lý do tại sao Đức Mẹ luôn luôn khóc mỗi khi hiện ra thay vì cười.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Bữa Tiệc Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong Chúa, làm cho gia đình và cộng đoàn giáo xứ chúng ta ngày càng đoàn kết, yêu thương, và giúp đỡ lẫn nhau hơn. Gia đình và cộng đoàn chúng ta có còn tranh chấp, chia rẽ, ghen tương, thóa mạ nhau trong khi vẫn cử hành Bí-tích Tình Yêu này?

- Mỗi lần nhìn lên Thập Giá, chúng ta hãy nhớ cuộc trao đổi kỳ diệu của Chúa Giê-su để chúng ta biết sống yêu thương Thiên Chúa, Mẹ Maria và mọi người. Tất cả đã trở thành người nhà của Thiên Chúa. Chúng ta có bổn phận nâng đỡ nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,
    khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,
    mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,
    khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,
    và chôn táng Con trong mộ.
    Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.
    Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.
    Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.
    Chỉ ai yêu mới biết đau.

    Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,
    các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.
    Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.
    Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.
    Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.
    Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.
    Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.
    Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,
    Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.

    Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.
    Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.
    Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,
    và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.
    Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.
    Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.
    Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.
    Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,
    nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.
    Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.
    Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.

    Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.
    Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).
    Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).
    Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,
    nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.
    Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.
    Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.
    Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,
    đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).
    và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).
    Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.
    Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.
    Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.
    Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.
    Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Mẹ Maria,
    khi đọc Phúc Âm,
    lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
    Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
    Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
    Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
    Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
    Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

    Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
    âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
    từ con người hay từ Thiên Chúa.
    Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
    trong mọi bước đường của cuộc sống.
    Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
    Có những con đường đầy máu và nước mắt.

    Xin Mẹ dạy chúng con
    đừng sợ lên đường mỗi ngày,
    đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
    dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

    Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
    để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
    đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa