10 tháng 9, 2014

Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô

(1) Về vấn đề thịt cúng: Vẫn biết là tất cả chúng ta đều hiểu biết. Sự hiểu biết đó sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng.
(2) Ai tưởng mình hiểu biết điều gì, thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết.
(3) Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến.
(4) Vậy, về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất.
(5) Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất -quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều,
(6) nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.
(7) Nhưng không phải mọi người đều hiểu biết như vậy đâu! Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng; và lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế.
(11) Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc!
(12) Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô!
(13) Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã. (I Cor 8, 1-7, 11-13)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(27) "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,
(28) hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
(29) Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
(30) Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
(31) Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
(32) Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
(33) Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.
(34) Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
(35) Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
(36) "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
(37) Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
(38) Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 27-38)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu kẻ thù và những người yếu kém.

Nhiều người trong chúng ta cho rằng “biết đúng và làm đúng” là đủ rồi, nhưng thánh Phaolô nhận thấy điều đó vẫn chưa đủ cho việc xây dựng cộng đoàn. Ngài dạy khi làm còn phải quan tâm đến những người mà đức tin còn yếu kém. Nếu việc làm tuy đúng của mình gây ra sự hiểu lầm và làm cớ cho họ sa ngã thì tốt hơn đừng làm, chẳng hạn như việc ăn thịt cúng. Chúng ta dễ dàng yêu thương những ai yêu thương mình, trả ơn cho những ai làm ơn cho mình; nhưng Chúa Giêsu đòi các môn đệ của Ngài phải đi bước xa hơn nữa là là yêu kẻ thù, và làm ơn cho những người bắt bớ mình. Các Bài đọc hôm nay cung cấp những lý do tại sao chúng ta phải làm như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Không chỉ làm đúng mà còn quan tâm đến những người yếu kém.

Người Hy-Lạp thờ rất nhiều thần và để xin ơn họ dâng cúng những lễ vật lên các thần. Sau khi đã dâng cúng, họ đốt một phần nhỏ cho các thần, một phần để lại cho các tư tế phục vụ trong đền thờ, một phần được gởi trả lại cho người dâng để họ cùng chung vui với gia đình và bạn bè. Các tư tế được phép bán phần thịt của mình nếu không muốn dùng. Vấn đề được đặt ra cho cộng đoàn Corintô là có được phép ăn hay mua thịt đã được dâng cúng cho các thần?

Có những người trong cộng đoàn cho rằng cứ việc ăn vì theo giáo lý đức tin dạy: “ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất.” Thánh Phaolô cũng đồng ý khi ngài dạy cứ việc ăn thịt đã dọn sẵn hay mua thịt ngòai chợ mà chẳng cần hỏi han lôi thôi gì cả. Tuy nhiên, nếu có sự hiện diện của những người trong cộng đoàn, mà đức tin của họ còn yếu kém, thì đừng ăn hay mua. Lý do là vì không phải mọi người đều hiểu biết như nhau. Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng; và lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế.

Xây dựng cộng đoàn không phải chỉ trên kiến thức mà còn trên tình bác ái vì “sự hiểu biết đó sinh lòng kiêu ngạo, còn tình bác ái thì xây dựng.” Theo đạo lý của thánh Phaolô, mỗi người đều là một phần tử của một chi thể là Hội-Thánh và Chúa Kitô là Đầu. Vì thế, chúng ta có bổn phận phải bảo vệ mọi chi thể để toàn thân được lành mạnh. Vì thế ngài cắt nghĩa: “Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc! Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã.”

[2] Phúc Âm: Yêu kẻ thù.

Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động từ để diễn tả hành động “yêu”:

- Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.”

- Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình và tình bằng hữu, họ dùng động từ “filein.”

- Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng hôm nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong khuôn khổ của Kitô giáo.

Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể yêu kẻ thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,” vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”

Thọat mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy chúng rất giống những lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn lời của Khổng-Tử mà thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo lý từ trước tới nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình;” trong khi Luật vàng là luật tiêu cực: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích cực khó hơn luật tiêu cực và đòi con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm được.

Tại sao Chúa đòi con người làm những điều khó khăn như vậy? Lý do Chúa đưa ra phải yêu kẻ thù là để trở nên giống Chúa: “Anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Làm con Chúa là phải khác những người thường. Nếu các tín hữu cũng chỉ yêu những người yêu mình và trả ơn những người đã làm ơn cho mình thì có khác chi những người tội lỗi?

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cuộc sống chúng ta không đơn giản đến nỗi chỉ giải quyết vấn đề bằng tri thức, mà nhiều khi còn phải giải quyết vấn đề bằng yêu thương. Tri thức có thể đưa đến chỗ kiêu ngạo, khinh thường người không biết nhưng yêu thương luôn giúp xây dựng cộng đoàn. Cần phải quan tâm đến mọi phần tử trong cộng đoàn khi giải quyết những vấn đề liên quan tới họ.

- Yêu kẻ thù và làm ơn cho họ không phải là điều muốn làm hay không cũng được, nhưng là đòi hỏi của những người con Chúa. Điều này chỉ có thể nếu chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa, trước khi chúng ta có thể yêu người như Chúa yêu ta.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
    chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
    hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
    Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
    hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
    Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
    Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
    Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
    vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
    Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
    Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
    để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
    Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.

    “Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
    Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
    Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
    Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
    Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
    Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
    là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
    Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
    Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
    về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
    Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
    Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
    Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
    Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
    tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
    và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
    khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
    Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
    tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
    Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
    Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
    một người làm tôi vô cùng đau khổ.
    Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
    nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
    Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
    nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

    Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
    Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên...
    Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
    mới vào được thế giới siêu nhiên,
    thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
    Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.

    Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
    nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
    của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
    Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
    Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa,
    xin cho con quả tim của Chúa.
    Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
    nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
    vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
    để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
    Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,
    mọi trả thù ti tiện.
    Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
    không một biến cố nào làm xáo trộn,
    không một đam mê nào khuấy động hồn con.
    Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
    cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
    Xin cho quả tim con đủ lớn
    để yêu người con không ưa.
    Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
    để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa