------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô
(16) Thật vậy, đối
với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần
thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!
(17) Tôi mà tự ý
làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là
một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.
(18) Vậy đâu là
phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng
hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
(19) Phải, tôi
là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi
người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.
(22) Tôi đã trở
nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất
cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.
(23) Vì Tin Mừng,
tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
(24) Anh em chẳng
biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy,
nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần
thưởng.
(25) Phàm là tay
đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng
chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.
(26) Vậy tôi đây
cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không
phải đấm vào không khí.
(27) Tôi bắt
thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác,
chính tôi lại bị loại. (I Cor 9, 16-19, 22-27)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(39) Đức Giê-su
còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại
không sa xuống hố?
(40) Học trò
không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.
(41) Sao anh thấy
cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình
thì lại không để ý tới?
(42) Sao anh lại
có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt
anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của
mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy
rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! (Lc 6, 39-42)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách lãnh đạo.
Các Bài đọc hôm
nay tập trung vào những người lãnh đạo tôn giáo nhưng vẫn có thể mở rộng để áp
dụng cho tất cả mọi người. Để rao giảng Lời Chúa có hiệu quả, trước hết và trên
hết người rao giảng cần biết mình trong mối tương quan với Chúa, sau đó người
rao giảng cần biết tha nhân với những điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Ơn gọi rao giảng của Phaolô.
Biến cố Damascus
đã ghi đậm trong cuộc đời thánh nhân đến nỗi ngài luôn luôn nhìn lại biến cố
này để đánh giá những việc mình làm. Trong biến cố đó, Phaolô đang trên đường
bách hại các tín hữu, nhưng Chúa đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông bằng cách
chọn ông để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Đó là lý do tại sao người nói hôm
nay: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào,
mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không
rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng
công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”
Vì không tự ý
xin để rao giảng Tin Mừng nên Phaolô tìm cách khác để lập công. Ngài từ chối để
hưởng thụ những đặc quyền dành cho người rao giảng Tin Mừng như Chúa nói “thợ
làm việc đáng hưởng công.” Ngài vừa rao giảng Tin Mừng vừa kiếm ăn với sức lao
động của mình. Hơn nữa, ngài còn nhiệt thành hy sinh chịu đựng tất cả để Tin Mừng
được lan rộng khắp nơi.
Rao giảng Tin Mừng
không thuần túy chỉ nói những gì đã học được rồi để mặc người nghe muốn làm gì
thì làm. Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, người rao giảng cần biết người
nghe với tất cả các ưu và khuyết điểm của họ. Chẳng hạn nơi cộng đoàn Hy-Lạp ở
Corintô, thánh Phaolô biết họ rất mở lòng để tiếp nhận những điều hay, nhưng
cũng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống tình dục thác loạn. Vì thế, ngài phải
nghiên cứu cách rao giảng làm sao để thuyết phục các tín hữu không những chỉ
tin vào Chúa Kitô mà còn sẵn sàng sửa đổi các nết xấu sao cho thích hợp với đòi
hỏi của Tin Mừng: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những
người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số
người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần
phúc của Tin Mừng.”
[2] Phúc
Âm: Sửa mình trước khi sửa người.
Vì khán giả
không chỉ có hai tai nhưng còn hai mắt để nhìn, nên những người lãnh đạo bị đòi
hỏi không chỉ rao giảng bằng lời nói mà còn bằng hành động. Để việc rao giảng
có hiệu quả, người lãnh đạo cần chứng minh điều mình rao giảng với các việc làm
của mình, và việc làm tốt dễ tác động trên khán giả hơn những lời khôn ngoan của
họ. Tuy nhiên, như Chúa Giêsu nhận định: “Các người Kinh-sư và Biệt-phái ngồi
trên tòa Môisê giảng dạy, hãy nghe những gì họ rao giảng, nhưng đừng làm những
gì họ làm, vì họ nói mà không làm.” Nếu không tìm được người rao giảng hoàn toàn
thì những người rao giảng chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị tối thiểu của họ.
Không ai có thể
cho cái mình không có, và không ai có thể sửa lỗi người khác khi chính mình
cũng có những khuyết điểm đó. Nhiều khi những khuyết điểm của mình còn to lớn nặng
nề hơn là khuyết điểm của người mình muốn sửa, như ví dụ Chúa đưa ra hôm nay:
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của
chính mình thì lại không để ý tới?” Trước khi sửa lỗi tha nhân cần phải sửa
mình trước. Điều làm cho nhiều người dễ chỉ trích và sửa dạy tha nhân là họ
không chịu xét mình để nhận ra những khuyết điểm của họ, nên dễ cho là họ thánh
thiện hơn những người khác. Họ cần biết là không thể giấu được tất cả mọi người
và nhất là không bao giờ giấu được Thiên Chúa, Đấng biết rõ tất cả các tội lỗi
của mọi người.
Để việc sửa lỗi
người có hiệu quả người lãnh đạo cần biết tha nhân, biết ưu và khuyết điểm của
họ, và biết lý do cùng hoàn cảnh đưa đến dịp phạm tội, và nhất là biết kiên nhẫn
để sửa dạy. Lại một lần nữa, bằng việc luôn luôn xét mình, người lãnh đạo nhận
ra chính mình đã phải cố gắng chừng nào để thắng vượt được tội lỗi và những
thói quen xấu; điều này sẽ giúp họ dễ thông cảm với tha nhân và kiên nhẫn trong
việc sửa lỗi.
Chúa cảnh cáo
nguy hiểm của những nhà lãnh đạo đui mù: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả
hai lại không sa xuống hố?” Người lãnh đạo đui mù không nhận mình đui mù còn
nguy hiểm hơn; khi sa xuống hố họ lại còn đổ tội cho người dưới quyền họ.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người
chúng ta đều mang trong mình những ưu và khuyết điểm, những tính tốt và xấu. Để
phát triển gia đình và cộng đoàn, người lãnh đạo cần nhận ra tất cả những điều
này, để biết dùng những ưu điểm và tính tốt trong việc xây dựng cộng đoàn; cũng
như biết cách đề phòng và sửa sai những khuyết điểm và tội lỗi để cộng đoàn
ngày càng tốt đẹp hơn.
- Trước khi có
thể biết và sửa người, mọi người cần biết và sửa mình trước. Việc luôn nhìn lại
quá khứ để nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm và tiến trình tự sửa để trở nên tốt
sẽ giúp các nhà lãnh đạo sáng suốt để nhận ra những lầm lỗi của những người dưới
quyền mình và kiên nhẫn để sửa sai họ.
- Tiến trình
lãnh đạo cần theo thứ tự như sau: (1) Nhìn nhận mọi người đều có ưu và khuyết
điểm; (2) Biết ưu và khuyết điểm của mình; và (3) Biết dùng ưu điểm và kiên nhẫn
sửa chữa khuyết điểm của tha nhân.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaSống ở đời chúng ta liên tục phải đưa ra những phán đoán.
Có những phán đoán về người khác: đúng, sai, tốt, xấu.
Giáo dục một người là giúp người đó có được phán đoán khách quan.
Khi Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng xét đoán (Lc 6, 37),
Ngài không bảo họ đừng đưa ra những phán đoán hay nhận định.
Ngài cũng không coi thường những phán quyết của quan tòa.
Đơn giản Ngài chỉ muốn chúng ta tránh một khuynh hướng dễ gặp,
đó là chỉ trích phê phán, bới lông tìm vết, đối với tha nhân.
Các môn đệ sẽ phải là những nhà lãnh đạo dân Chúa.
Họ không thể là những người dẫn đường mù lòa.
Chỉ với cặp mắt sáng, họ mới có thể chu toàn nhiệm vụ,
dẫn dắt những người còn trong bóng tối ra ánh sáng bình minh.
Nếu không, mù dắt mù, cả hai sẽ sa xuống hố (c. 39).
Người lãnh đạo sáng suốt là người biết mình,
biết cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của mình.
Họ phải thấy rõ cái xà, hay thậm chí cái rác nơi mắt mình.
Thiếu thái độ tự phê phán nghiêm túc, họ không thể dẫn dắt người khác.
“Hãy biết mình” là câu được khắc ở một đền thờ nổi tiếng bên Hy Lạp.
Như thế biết mình không phải là chuyện dễ.
Chẳng ai gần mình, hiểu rõ mình bằng mình.
Nhưng nhiều khi chẳng ai mù mờ về tôi bằng chính tôi.
Lắm khi tôi chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để thấy sự thật.
Nói chung tôi không thích nhìn nhận những bóng tối và bóng mờ nơi tôi.
Thậm chí, cái xà nơi mắt tôi, mà tôi cũng không để ý (c. 41).
Tôi chỉ muốn thấy nơi mình toàn những điều trong sáng, tốt đẹp, giỏi giang.
Càng có địa vị cao, càng thành công nhiều, càng có uy tín,
tôi càng khó chấp nhận, khó thấy những nhược điểm của mình,
Những người dưới quyền cũng không dám góp ý,
nên tôi lại càng dễ nghĩ là mình đã thực sự hoàn hảo.
Chắc chúng ta phải giúp người khác lấy rác ra khỏi mắt,
vì họ khó tự mình lấy được, và thật khó chịu khi có rác trong mắt.
Nhưng phải làm điều đó với rất nhiều yêu thương và khiêm hạ,
bởi lẽ chúng ta biết mình cũng cần anh em giúp lấy rác khỏi mắt mình.
Đơn giản là phải thấy cái rác và cả cái xà trong mắt mình trước,
nhờ người lấy ra dùm, sau đó mới thấy rõ để đi giúp người anh em.
Giúp nhau lấy rác trong mắt nhau, giúp nhau thấy rõ hơn sự thật về mình,
đó là công việc bác ái thường ngày mà chúng ta làm cho nhau.
Như thế Hội Thánh của chúng ta sẽ gồm những người sáng mắt,
nhờ biết xin người khác lấy rác ra khỏi mắt mình, và giúp họ lấy rác của họ.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaNhư thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org