------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô
(25) Về vấn đề độc
thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư
cách là người - nhờ Chúa thương - đáng được anh em tín nhiệm.
(26) Vậy tôi nghĩ
rằng: vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt. Phải, tôi nghĩ rằng đối
với người ta, như thế là tốt.
(27) Bạn đã kết
hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người
đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ.
(28) Nhưng nếu bạn
cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng
có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn
khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó.
(29) Thưa anh
em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những
người có vợ hãy sống như không có;
(30) ai khóc
lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy
làm như không có gì cả;
(31) kẻ hưởng
dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến
đi. (I Cor 7, 25-31)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(20) Đức Giê-su
ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho
anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên
Chúa là của anh em.
(21) "Phúc
cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ
cho anh em được no lòng.
"Phúc cho
anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được
vui cười.
(22) "Phúc
cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá
tên như đồ xấu xa.
(23) Ngày đó,
anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời
thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
(24) "Nhưng
khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của
mình rồi.
(25) "Khốn
cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
"Khốn cho
các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ
khóc than.
(26) "Khốn
cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được
cha ông họ đối xử như thế. (Lc 6, 20-26)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mai
sau.
Người tín hữu
chúng ta tin “sống gởi thác về.” Cõi trần này chỉ là chỗ tạm dung, chỉ khi chết
đi mới thực sự là về nhà vĩnh cửu của mình. Nếu chúng ta xem cõi trần này là chỗ
tạm dung thì chúng ta đừng tích trữ của cải trần gian vì sẽ không mang theo được
khi nhắm mắt nằm xuống. Trái lại, phải dùng mọi cố gắng để chuẩn bị mang theo
những hành trang cần thiết của đời sau để chuẩn bị cho cuộc sống hạnh phúc với
Chúa trên Thiên Đàng. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô dạy các tín hữu về việc sống
ơn gọi độc thân hay gia đình trong cuộc trần với viễn tượng của cuộc sống mai
sau. Trong Phúc Âm, Chúa chúc lành cho những người mà thế gian coi thường và
chúc dữ cho những người mà thế gian khen tặng.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Hãy chú ý đến những sự đời sau vì thế gian đang qua đi.
Điểm đầu tiên
chúng ta cần nhấn mạnh: Những lời khuyên của thánh Phaolô phải được hiểu trong
bối cảnh lịch sử của câu “thế gian này đang qua đi.” Ngài tin là Ngày Tận Thế sắp
sửa đến; vì thế, các tín hữu phải gạt bỏ mọi chia trí làm cản trở cho việc chuẩn
bị để về với Chúa. Sau này, khi biết Ngày Tận Thế sẽ không đến ngay, thánh
Phaolô có cái nhìn khác hơn về ơn gọi gia đình như những gì ngài viết cho các
tín hữu thành Êphêsô. Dẫu sao đi nữa, những gì ngài viết vẫn có giá trị của nó:
Đừng quá chú trọng đến của cải vật chất và sự hưởng thụ ở đời này, mà phải dành
thời giờ và nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nhiều người nhận
xét: Thánh Phaolô coi trọng ơn gọi độc thân hơn ơn gọi gia đình vì những gì
ngài viết ở đây. Thực sự ngài chỉ viết theo kinh nghiệm sống, và như ngài viết
ngay từ đầu của Bài đọc, đây chỉ là những lời khuyên chứ không phải là giáo điều
phải tin. Ngay sau những câu hôm nay ngài giải thích rõ hơn: “Tôi muốn anh chị
em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc
Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ
tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng
và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn
xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.
Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh
chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em
được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (I Cor 7:32-35).
Thánh Phaolô
không khuyên mọi người phải từ bỏ ơn gọi gia đình để sống đời độc thân: “Bạn đã
kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một
người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội
gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì.” Nhưng ngài chỉ
nhắc nhở một sự thật: họ sẽ bị chia trí và sẽ không có nhiều thời gian để lo việc
của Chúa.
[2] Phúc
Âm: Quá chú ý đến những sự đời này làm con người quên đi những sự đời sau.
So sánh “Bài giảng
trên núi” của Matthêu (5:2-12) và “Bài giảng trong đồng bằng” của Luca
(6:20-26):
- Matthêu dùng
ngôi thứ ba để áp dụng cách tổng quát trong khi Luca dùng ngôi thứ hai để áp dụng
trực tiếp cho các môn đệ và những ngừơi nghe.
- Matthêu cấu
trúc bài giảng bằng “8 mối phúc” trong khi Luca bằng “4 mối phúc” và “4 mối khốn.”
Bốn mối phúc của Luca đều được trình bày trong 8 mối phúc của Matthêu. Có lẽ
Luca muốn làm nổi bật lên sự tương phản giữa tiêu chuẩn của Nước Trời và của thế
gian.
Những lời Chúa
phán về 4 mối phúc gợi lên niềm hy vọng cho những người nghèo khổ, đói khát,
đau khổ, và bị bắt bớ vì Con Người; trong khi như bom nổ ngang tai cho những
người giầu có, no đủ, vui cười, và được ca tụng. Chúa Giêsu lấy những giá trị
thế gian tôn thờ và đảo ngược chúng: Bốn điều phúc của thế gian thành 4 điều khốn,
và 4 điều khốn của thế gian thành 4 điều phúc.
Tại sao tiêu chuẩn
của Nước Trời hoàn toàn ngược lại tiêu chuẩn của thế gian? Lý do đơn giản như
thánh Phaolô nói ở trên vì “thế gian này đang qua đi,” để tiến tới một quê
hương vĩnh cửu trên trời. Một cái nhìn chi tiết vào 4 mối Chúa nói sẽ cho chúng
ta hiểu rõ hơn:
(1) Nghèo khó: Sự
giầu có làm cho con người khó vào Nước Trời như Chúa nói: “Con lạc đà chui qua
lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.” Giầu có làm con người bằng lòng
với những hưởng thụ của cuộc sống hiện tại và quên đi cuộc sống đời sau. Họ
dùng tất cả thời gian và nỗ lực để kiếm tiền, và sau khi kiếm tiền lại lo hưởng
thụ; họ không còn thời giờ cho Chúa. Người nghèo hiểu họ chỉ cần ăn để sống nên
không lo tích trữ. Nếu Thiên Chúa đã nuôi chim trời và thú vật ngoài đồng, Ngài
sẽ không để cho con cái của Ngài phải chết đói. Họ dành giờ để chuẩn bị cho cuộc
sống mai sau.
(2) Đói khát:
Luca chỉ để trống không “đói khát” trong khi Matthêu có thêm “sự công chính.”
Chắc chắn Chúa không cổ võ sự đói khát về của ăn và lấy làm sung sướng khi thấy
con mình phải chết đói; nhưng điều Ngài muốn nói ở đây là những đói khát về
tinh thần. Thế gian cậy vào sức mình trong khi người nghèo cậy vào Thiên Chúa.
Ngài sẽ lấp đầy những đói khát tinh thần này.
(3) Đau khổ:
Không đau khổ sẽ không có vinh quang; nếu con người muốn chung phần vinh quang
thì cũng phải chung phần đau khổ với Chúa. Hơn nữa đau khổ còn giúp rèn luyện
con người để có thể vượt qua mọi cám dỗ và trở ngại trong cuộc sống. Người ham
thích vui sướng và trốn tránh đau khổ sẽ không thành công ngay cả ở đời này.
(4) Bị bắt bớ vì
Con Người: Các tiên tri và những người rao giảng bị bắt bớ và giết chết vì nói
những gì thế gian không muốn nghe, nhưng là những gì Chúa muốn nói. Ai tuyên
xưng Chúa trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha
Ngài.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là người tín hữu,
chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn Nước Trời, chứ không theo tiêu chuẩn của thế
gian. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời
vừa sống theo tiêu chuẩn của thế gian, vì như Chúa đã xác quyết: “Các con không
thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24).
- Ngay cả trong
đời sống gia đình, chúng ta không thể dành hết thời giờ và cố gắng cho gia đình
mà quên đi bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa, Người mà sẽ sống với chúng ta
mãi mãi sau này. Những người sống độc thân vì Nước Trời, họ sẽ có nhiều thời giờ
cho Chúa và tha nhân hơn
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaMột học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8, 9).
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org