------------
BÀI ĐỌC I ------------
Lời
Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô
(35) Nhưng có
người sẽ nói: kẻ chết chỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?
(36) Ðồ ngốc!
Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.
(37) cái người
gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn
như hạt lúa hay một thứ nào khác.
(42) Việc kẻ chết
sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt;
(43) gieo xuống
thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy
thì mạnh mẽ,
(44) gieo xuống
là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí.
Nếu có thân thể
có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí.
(45) Như có lời
đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam
cuối cùng là thần khí ban sự sống.
(46) Loài xuất
hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có
thần khí chỉ xuất hiện sau đó.
(47) Người thứ
nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến.
(48) Những kẻ
thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống
như Ðấng từ trời mà đến.
(49) Vì thế,
cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được
mang hình ảnh Ðấng từ trời mà đến. (I Cor 15, 35-37, 42-49)
------------
PHÚC ÂM ------------
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca
(4) Người ta tụ
họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Ðức Giêsu. Bấy giờ
Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
(5) "Người
gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt
rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.
(6) Hạt khác rơi
trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.
(7) Có hạt rơi
vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.
(8) Có hạt lại
rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết qủa gấp trăm". Nói xong,
Người hô lên rằng: "Ai có tai nghe thì nghe".
(9) Các môn đệ hỏi
Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.
(10) Người đáp:
"Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ
khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu."
(11) "Ðây
là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
(12) Những kẻ ở
bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo
họ tin mà được cứu độ.
(13) Còn những kẻ
ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ.
Họ tin nhất thời, và trong thời thử thách, họ bỏ cuộc.
(14) Hạt giống
rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và
vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới
mức trưởng thành.
(15) Hạt giống
rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại,
rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. (Lc 8, 4-15)
--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.
Nhìn một hạt giống
nhiều người chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi nó bắt đầu có
lá chúng ta có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh trái thì đã quá
rõ ràng. Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta không thể đóan đứa
trẻ sẽ giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó giống ai trong gia
đình; nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho đến khi chúng
thành nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc I, thánh
Phaolô ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết được
con người sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc Âm,
Chúa ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có
thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và
có thể sinh quả gấp trăm.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
[1] Bài
đọc I: Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống lại?
Mặc dù Phaolô và
các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả tổng quát
Chúa Phục Sinh như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được mang lấy
thi thể đó. Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và ngôn ngữ
của con người để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của ngài bao gồm
3 điều chính yếu sau:
(1) Như một hạt
giống gieo xuống lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc
lên khác xa với hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản
thể vẫn giống nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con
người cũng vậy, phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác
với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là
cùng một người.
(2) Thân thể khi
sống lại khác với thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước khi chết sẽ
bị hủy hoại còn thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy hoại. (2) Thân thể
trước khi chết thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh quang. Có lẽ điều
thánh Phaolô muốn nói ở đây là các giác quan và dục vọng của con người khi còn
sống, chúng làm cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. (3) Thân thể trước
khi chết thì yếu đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ. Có lẽ ở đây thánh
Phaolô nói về sức mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời này là còn bị
chi phối bởi các thứ bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống lại sẽ
không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước khi chết
là thân thể có sinh khí còn thân thể sống lại là thân thể có thần khí. Có lẽ ở
đây thánh Phaolô muốn chú trọng đến tính vững bền của thần khí: thân xác con
người trước khi chết muốn sống theo thần khí nhưng có khi được khi không vì vẫn
còn bị chi phối bởi dục vọng; một khi dục vọng hết, con người sẽ hoàn toàn sống
theo thần khí.
(3) Con người là
một tổng thể của cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp 2 biến cố:
Thiên Chúa tạo dựng Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của Chúa
Giêsu; để suy luận về thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người đầu
tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí
ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài
có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà
ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất
thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ
trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra,
thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
[2] Phúc
Âm: Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.
Chúa Giêsu dùng
dụ ngôn để nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa, Ngài nói:
“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì
có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi
trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi
gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc
lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.”
Các môn đệ hỏi
Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: "Anh em thì được ơn hiểu biết
các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng
nhìn mà có lẽ không nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời này hơi
khó hiểu. Phải chăng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số người
được chọn? Chắc chắn một Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục đích
của dụ ngôn này là nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa.
Không phải mọi người có mắt là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay trước mắt
mà có người vẫn không nhìn thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc họ không
cố gắng chú ý để nhìn. Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có bao nhiêu
giáo dân hiểu được bài giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là vì họ
không chịu chú ý nghe hay không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các cha cắt
nghĩa.
Và Chúa cắt
nghĩa dụ ngôn như sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
(1) Hạt rơi bên
vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ
tin mà được cứu độ. Đây là loại người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không
hiểu.
(2) Hạt rơi trên
đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ
tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được
mang ra thực hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi
hoàn cảnh.
(3) Hạt rơi vào
bụi gai là những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng
những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ
muốn làm điều mà Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”
(4) Hạt rơi vào
đất tốt là những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời
Chúa trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.
--------------------------------------------------------------------------------
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tuy
không biết hoàn toàn những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết; nhưng một
điều chúng ta biết chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống lại,
chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh khỏe,
luôn hướng thiện, luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bệnh
tật hay các dục vọng thấp hèn.
- Để Lời Chúa có
thể sinh lợi ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sốt
sắng mỗi khi nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang ra áp dụng
trong cuộc sống để đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin vững mạnh sẽ
giúp chúng ta can đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn sàng làm chứng
cho Chúa: bằng lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.
************
Viết bởi LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************
copied from
loinhapthe.com
[SUY NIỆM]
Trả lờiXóaĐức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.
Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,
có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,
và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.
Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.
Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.
Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị đánh cắp.
Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe
vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12).
Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).
Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng?
Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.
Nhưng có Lời không mọc rễ.
Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.
Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,
nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.
Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.
Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.
Nhưng có Lời bị chết ngộp.
Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,
những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang.
Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.
Cuối cùng có Lời được nắm giữ.
Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng.
Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,
cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.
Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org
[LỜI CẦU NGUYỆN]
Trả lờiXóaLạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
ĐHY Roger Etchegaray
************
Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
************
copied from hdgmvietnam.org