26 tháng 9, 2014

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích sách Giảng Viên

[11] (9) Này bạn thanh niên,
cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ :
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng :
về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.
(10) Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.
[12] (1) Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói :
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả !”
(2) Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm,
và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
(3) Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng,
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ : chỉ nhìn thấy lờ mờ.
(4) Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại,
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
(5) Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá,
loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
(6) Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu.
(7) Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
(8) Ông Cô-he-lét nói :
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !” (Gv 11, 9-12, 8)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(43b) Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng :
(44) “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”
(45) Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. (Lc 9, 43b-45)

 --------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống hiện tại với mục đích tương lai.

Trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine dẫn chứng hai thái độ sống trong cuộc đời: một thái độ của con ve chỉ biết sống giây phút hiện tại mà không cần biết tới tương lai sẽ ra sao; và một thái độ của con kiến sống hiện tại nhưng luôn biết chuẩn bị cho tương lai. Khi mùa Đông tới, con ve mới nhận ra mình hết thức ăn và sang nhà kiến vay mượn để ăn. Cuộc đời con người cũng thế: có những người chỉ biết sống hiện tại mà không cần biết đến ngày mai; có những người tuy vẫn sống vui vẻ với giây phút hiện tại nhưng luôn phòng bị cho tương lai. Bài đọc I khuyên các tâm hồn trẻ biết sống hiện tại nhưng đừng quên tương lai. Bài Phúc Âm tường thuật thái độ không muốn hiểu hay không muốn đương đầu với của các Tông Đồ khi Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó của Ngài lần thứ hai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Sống hiện tại nhưng đừng quên tương lai.

Con người khi còn trẻ và mạnh khỏe ít ai nghĩ đến tuổi già, đau yếu hay cái chết. Họ bận rộn để vui hưởng tuổi xuân và thỏa mãn những đam mê xác thịt. Tác giả của Sách Giảng Viên không khuyên họ không được vui hưởng tuổi xuân, nhưng lưu ý họ về 4 điểm sau đây:

(1) Bạn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình vì Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử về tất cả mọi hành động bạn làm: Tuổi trẻ là tuổi của háo thắng, muốn gì làm nấy; và không sợ bất cứ một quyền lực nào ngăn cản họ không được làm. Nhưng rồi họ cũng phải đối diện với Thiên Chúa và phải trả lời cho Ngài về các hành động của mình.

(2) Bạn cứ việc vui, nhưng hãy luôn tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình; đừng chờ khi tuổi già đến rồi mới nghĩ tới Thiên Chúa: Nhiều người trẻ có tư tưởng: vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ, nên cứ việc phạm tội và vui hưởng cuộc đời. Khi nào họ về già, họ sẽ có nhiều thời giờ để ăn năn trở lại. Nhưng họ quên đi rằng không phải về già rồi mới chết vì có những cái chết rất trẻ. Hơn nữa, một khi họ đã nhấn mình quá sâu trong vũng bùn tội lỗi, họ sẽ không dễ ăn năn trở lại. Một điểm tích cực là càng nhớ tới Thiên Chúa bao nhiêu họ càng vui hưởng cuộc đời bấy nhiêu.

(3) Bạn phải đối diện với tuổi già: Khi còn trẻ, con người không biết tuổi già sẽ ra sao. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tuổi già là chăm sóc cha mẹ già. Bạn trẻ sẽ thấy được những cô đơn, sợ hãi, lo âu, bệnh tật của họ: tai điếc, mắt mờ, tóc bạc, trí khôn nghễnh ngãng, tay chân run rẩy, răng rụng. Sách Giảng Viên dùng thi ca để mô tả một số những cô đơn sợ hãi của tuổi già:

Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại, tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót, và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ, chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng. Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá, loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề, trái bạch hoa hết còn hương vị. Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu, bên đường đầy những người khóc than ai oán.

(4) Bạn phải đối diện với tử thần: Đây là một điều chắc chắn và không ai có thể thóat được. Sau cái chết là Ngày Phán Xét như đã nói ở trên. Vì thế phải chuẩn bị cho ngày chết khi bạn còn đang sống, “Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.”

[2] Phúc Âm: Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó của Ngài lần thứ hai.

Trước khi tiên báo cuộc Thương Khó lần hai, Chúa đã Biến Hình cho các ông thấy trên núi và chữa lành một đứa trẻ bị kinh phong. Mục đích của Chúa là để cho các ông xác tín niềm tin vào Thiên Chúa.

(1) Trong khi các Tông Đồ và mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa, chỉ có một điều Chúa quan tâm là làm sao cho các Tông Đồ hiểu được kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ. Chúa tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ hai với giọng điệu cương quyết: "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."

(2) Phản ứng của các Tông Đồ: Mặc dù lời tiên đóan lần thứ hai của Chúa ngắn gọn hơn lần thứ nhất, nhưng thẳng thắn và đơn giản; các ông vẫn không hiểu lời đó, vì “đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.” Các ông không thể hiểu nổi một Thiên Chúa quyền uy như thế mà lại chọn con đường đau khổ để cứu độ con người. Không thể hiểu nổi nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. Các ông sợ vì các ông không dám đương đầu với cái chết của Chúa; và với cái chết của Ngài, hy vọng được cùng Ngài thống trị sẽ tan thành mây khói.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người biết lo liệu luôn biết sống hiện tại và biết chuẩn bị cho tương lai. Vui hưởng tuổi xuân nhưng cũng đã chuẩn bị cho tuổi già.

- Điều cần thiết là tập luyện để có một đức tin vững chắc khi còn trẻ để có thể đương đầu với nghịch cảnh, tuổi già, và cái chết.

- Nếu đã biết và chuẩn bị trước, con người sẽ không ngạc nhiên khi sự việc xảy ra và có thể đứng vững như người xây nhà trên đá; nếu không con người sẽ ngạc nhiên và không thể đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời như người xây nhà trên cát.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
    Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
    Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
    Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
    Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
    “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
    Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
    Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
    Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
    Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
    “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
    đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
    Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
    về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

    Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
    Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
    ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
    Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
    Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
    Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
    nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
    con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

    Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
    Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
    họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
    Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
    và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
    Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
    “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
    Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
    thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
    Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
    nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

    Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
    làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
    Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
    trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
    Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
    Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
    Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
    Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
    Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
    Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
    lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

    Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
    và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
    Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
    và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
    Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
    Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
    Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
    Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
    chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

    Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
    cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
    Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa Giêsu phục sinh
    Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
    xin cho con biết sống
    cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

    Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
    Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
    Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
    Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
    Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
    Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

    Chính vì Chúa đã phục sinh
    nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
    dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

    Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
    gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
    tin tưởng và niềm vui.

    Ước gì ai gặp con
    cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa