5 tháng 9, 2014

Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên


 ------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô

(9) Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!
(10) Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi.
(11) Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt;
(12) chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu;
(13) bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.
(14) Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.
(15) Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em. (1 Cor 4, 9-15)

 ------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(1) Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn.
(2) Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát?"
(3) Đức Giê-su trả lời: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?
(4) Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi."
(5) Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày sa-bát." (Lc 6, 1-5)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chịu đau khổ vì Tin Mừng.

Người đời có thể hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực… với hy vọng họ sẽ lãnh nhận lại uy quyền, danh vọng, và những lợi lộc vật chất; nhưng vì động lực nào các môn đệ của Chúa dám hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực, tiền của? Nhiều tín hữu bị khinh thường là làm việc không công!
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những động lực thúc đẩy Phaolô và các tín hữu làm việc. Trong bài đọc I, thánh Phaolô thú nhận ngài đã trở nên điên dại vì Đức Ki-tô với một mục đích duy nhất là làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Đức Ki-tô đã dành cho họ và tin tưởng nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su bảo vệ các môn đệ bằng cách nhắc nhở cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết họ đừng vụ luật; nhưng phải biết giữ ngày Sabbath cho lợi ích của linh hồn và thân xác họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Những động lực thúc đẩy Phaolô chịu đau khổ.

(1) Chịu đau khổ vì Đức Ki-tô: Cũng như các tiên tri của Cựu Ước, một khi đã chấp nhận làm tiên tri của Chúa là phải chịu đau khổ; các Tông Đồ của Tân Ước cũng vậy, họ phải chịu mọi gian nan thử thách vì Tin Mừng của Đức Ki-tô. Lý do là vì thế gian không luôn muốn đón nhận Sự Thật và lối sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô cũng không ra ngoài trường hợp này. Ngài phải chịu đau khổ trăm chiều vì Đức Ki-tô như lời ngài viết: “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!”

Nhưng những gian khổ họ chịu không vô nghĩa vì nếu chung phần đau khổ với Chúa Ki-tô họ sẽ cùng chung phần vinh quang với Ngài trong vương quốc của Ngài đời sau.

(2) Chịu đau khổ cho người khác được lợi ích: Ngoài hy vọng được chung hưởng vinh quang đời sau, đau khổ sẽ giúp ích cho tha nhân ngay khi còn ở đời này. Những hy sinh cố gắng của các nhà truyền giáo sẽ mang hạt giống đức tin đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Những giọt máu đào đổ ra sẽ giúp cho hạt giống đức tin sinh hoa kết quả nơi những người đã lãnh nhận, gia đình của họ, và giáo hội địa phương. Thánh Phaolô liệt kê một số các đau khổ ngài đã chịu, có lẽ để nhắc nhở các tín hữu biết quí trọng những gì ngài đã hy sinh cho họ: “Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.”

Như cha mẹ phải vất vả lo lắng, làm việc, và dạy dỗ con cái, thánh Phaolô cũng coi mình như một người cha tinh thần của các tín hữu. Vì thế, ngài không ngại chấp nhận mọi hy sinh và đau khổ với hy vọng cho những người con tinh thần của ngài được lớn lên trong đức tin và được hưởng muôn vàn lợi ích thiêng liêng qua việc tin tưởng vào Đức Ki-tô. Ngài tâm sự: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.”

[2] Phúc Âm: Biệt-phái xét đoán các môn đệ Chúa.

Các Kinh-sư và Biệt-phái không tố cáo các môn đệ của Chúa lỗi đức công bằng, vì luật cho phép có thể bứt bông lúa ăn bằng tay, nhưng không được tra liềm cắt lúa (Dt 23:26). Họ tố cáo các môn đệ vì dám vi phạm ngày Sabbath. Những việc cấm làm trong ngày Sabbath là gặt hái, đập lúa, sàng xẩy, và chuẩn bị đồ ăn. Theo họ, các môn đệ vi phạm tất cả các điều này khi bứt lúa, vò trong tay (coi như đập lúa), thổi vỏ trấu (sàng lúa), và chuẩn bị đồ ăn trước khi cho vào miệng. Chúng ta có thể cười thầm vì lối nhìn của họ, nhưng đối với họ, những người vi phạm ngày Sabbath như thế có thể bị tử hình!

Đức Giê-su trả lời họ bằng việc nhắc nhở họ biến cố được ghi chép lại trong I Sam 21:1-6. "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavid đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy Bánh Tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Ở đây Chúa Giê-su muốn nói: Luật nào cũng có luật trừ. Luật ăn Bánh Tiến được vi phạm để bảo vệ sự sống cho Đavid và thuộc hạ của ông.

Chính những Rabbi cũng công nhận “Ngày Sabbath được làm ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath.” Điều này chứng tỏ khi sự sống bị đe dọa, con người có thể vi phạm các luật ngày Sabbath.

Và Chúa Giê-su kết luận: “Thiên Chúa làm chủ ngày Sabbath.” Nếu ngày Sabbath được làm ra vì con người, luật lệ ngày đó chỉ để áp dụng cho con người, chứ không cho Thiên Chúa. Chúa Giê-su chữa bệnh trong ngày Sabbath vì (1) Ngài làm chủ ngày Sabbath, và (2) bệnh tật đe dọa sự sống con người.

 --------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ vì Đức Ki-tô vì biết chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang đời sau với Ngài.

- Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ cho tha nhân được sống. “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chịu chết đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt khác.”

- Đừng cố vạch lá tìm sâu bằng cách bắt tha nhân giữ tỉ mỉ các lề luật, nhưng hãy lo cho sao có lòng nhân từ và bảo vệ công lý.

************
Dịch bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

1 nhận xét :

  1. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa,
    con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
    vì bên con còn có người đói lả.

    Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
    vì bên con còn có người đang khát.

    Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
    vì bên con còn có người phiền muộn.

    Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
    vì bên con còn có người mù tối.

    Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
    vì bên con còn có người trần trụi.

    Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
    vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
    (Myrtle Householder)

    ************
    Dịch bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa