8 tháng 9, 2014

Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên

 ------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô

(1) Khi xảy ra tranh chấp với kẻ khác, có người trong anh em dám đi kiện cáo trước mặt người ngoại mà lại không đến trước mặt những người trong dân thánh!
(2) Nào anh em chẳng biết rằng Dân Thánh sẽ xét xử thế gian sao? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư?
(3) Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? Phương chi là những việc đời này!
(4) Thế mà khi phải xét xử những việc đời này, anh em lại đặt những người mà Hội Thánh coi nhẹ làm quan toà!
(5) Tôi nói thế cho anh em phải xấu hổ. Chẳng lẽ trong anh em lại không có người nào khôn ngoan có thể xử các vụ tranh chấp giữa anh em mình ư?
(6) Đằng này, anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin!
(7) Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?
(8) Nhưng chính anh em lại ăn ở bất công và bóc lột, và đã đối xử như thế với anh em mình!
(9) Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian,
(10) những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp.
(11) Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta! (1 Cor 6, 1-11)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(12) Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
(13) Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
(14) Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,
(15) Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,
(16) Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
(17) Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn
(18) đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.
(19) Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người. (Lc 6, 12-19)

 --------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy sinh xây dựng cộng đoàn thay vì kiện cáo xét xử.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều đổ vỡ trong gia đình và cộng đoàn hôm nay là con người không còn biết đến giá trị của hai chữ “hy sinh.” Thay vào đó, con người chỉ còn biết chú ý tới mình. Muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ; muốn người khác hy sinh cho mình chứ không muốn phải hy sinh cho người khác. Khi không được đáp ứng là giận dữ, ghen tương kiện cáo; nhưng không bao giờ tự hỏi nếu ai cũng như vậy thì làm sao gia đình và cộng đoàn có thể tồn tại được? Thánh Phaolô lên án hành động kiện cáo của các tín hữu trước tòa đời trong Bài đọc I. Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa để có thể chọn lựa những Tông Đồ dám hy sinh để xây dựng Giáo-Hội mà Ngài sắp thiết lập.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Không nên kiện cáo nhau trước tòa đời.

Trước khi tìm hiểu lý do tại sao không nên kiện cáo, chúng ta cần tìm hiểu phong tục khác nhau giữa hai quốc gia. Thánh Phaolô là người Do-Thái viết thư cho các tín hữu Corintô là những người Hy-Lạp. Đối với người Do-Thái, mỗi khi có tranh chấp họ mang nhau đến hội đường để được xét xử bởi các vị niên trưởng và thông luật trong làng; chứ không mang nhau đến tòa án đời. Lý do là họ muốn được xét xử trong bầu khí gia đình chứ không chỉ bởi bầu khí luật lệ. Họ có luật cấm không cho người của họ tới tòa án đời, vì làm như vậy là phạm thượng chống lại luật của Thiên Chúa. Đối với người Hy-Lạp, tòa án đời là chỗ để xử các vụ án, và họ rất hãnh diện về các luật lệ xét xử của họ.

Thánh Phaolô không những rất xác tín vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà còn khinh thường sự khôn ngoan của người đời. Đối với ngài, việc các tín hữu mang nhau đến tòa án đời để xin xét xử là điều ngược đời, vì chính các tín hữu được Thiên Chúa trao quyền để xét xử thế gian (Wis 3:8). Lý do đơn giản ngài đưa ra tại sao không nên kiện cáo nhau trước tòa đời là vì quan án là những người Dân Ngoại (không có đức tin). Họ không có khôn ngoan của Thiên Chúa để biết hết mọi dữ kiện thì làm sao bảo đảm sự xét xử cho công bằng được. Khi cần phải được xét xử thì nên mang nhau ra trước Hội-Thánh, vì chắc chắn có những người khôn ngoan để xét xử công bằng hơn những quan án đời.

Tuy nhiên việc kiện cáo là chuyện không đừng được phải làm vì người tín hữu nên chịu đựng bất công để xây dựng cộng đoàn. Luật lệ chỉ là những điều kiện tối thiểu để bảo vệ trật tự trong cộng đoàn. Để giúp cộng đoàn phát triển mạnh mẽ cần có tình yêu dám hy sinh chịu đựng để cộng đoàn thăng tiến. Nếu không có hy sinh của Chúa Giêsu làm sao con người có thể được cứu độ? Nếu không có hy sinh chịu đựng của Phaolô làm sao Tin Mừng có thể loan tới và cộng đoàn được thiết lập tại Corintô? Hy sinh là chịu đựng thiệt thòi để người khác được sống; và một khi đã nhận ra hy sinh của người khác, đương sự sẽ tiếp tục hy sinh để những người khác cũng được sống. Vì thế, việc kiện cáo là một thất bại không những cho các đương sự mà còn cho cả cộng đoàn.

Đối với những người vẫn mù quáng không nhận ra những hy sinh của người khác, thánh Phaolô cảnh giác: Những người ăn ở bất công và bóc lột anh em mình sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Họ sẽ đồng chịu số phận với những hạng người dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, trộm cướp, tham lam, và say sưa rượu chè.

[2] Phúc Âm: Chọn các Tông Đồ dám hy sinh tiếp tục sứ vụ xây dựng Giáo Hội.

Tại Caecarea Philipphê, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô là Đá để xây dựng Giáo-Hội mà Ngài sắp thiết lập. Tuy nhiên, một mình Phêrô không đủ để điều hành một số người quá lớn nên Chúa chọn thêm 11 Tông Đồ để cùng điều hành. Một số những điều chúng ta học được từ cách chọn lựa của Chúa hôm nay:

- Ngài không chọn người bất cứ ai nhưng từ những môn đệ của Ngài. Chúng ta cần phân biệt hai danh từ môn đệ và tông đồ. Theo tiếng Hy-Lạp, từ môn đệ đến từ động từ học hỏi, người môn đệ là người học hỏi từ Thầy mình; trong khi từ tông đồ đến từ động từ sai đi, tông đồ là người được sai đi. Chính Chúa Giêsu đã cho Giáo-Hội một cấu trúc: các môn đệ, các tông đồ, Phêrô người kế vị Ngài; không phải ai cũng được sai đi và ai cũng có quyền quyết định.

- Ngài đã thức suốt đêm để đàm đạo với Chúa Cha để chọn các Tông Đồ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nhìn vào danh sách những người được chọn, chúng ta chẳng thấy có gì nổi bật nơi họ nếu xét theo tiêu chuẩn của con người như khôn ngoan, đạo đức, nổi tiếng, quyền thế, giầu có… Chẳng những thế, còn có những người yếu đuối, tội lỗi, và tính tình rất khác nhau: Một Phêrô yếu đuối vừa mạnh dạn tuyên xưng sẽ không bao giờ bỏ Chúa lại chối Chúa 3 lần trong đêm đó. Một Matthêu thu thuế bị coi là người tội lỗi và kẻ thù của người Do-Thái lại được Chúa chọn để ở chung với Simon biệt danh là Quá Khích. Sở dĩ có biệt danh này vì ông là người bảo thủ, rất ghét đế quốc Rôma và có thể ám sát những người làm tay sai cho họ. Và một Giuđa Iscarioth, mà Người biết trước sẽ trở thành kẻ phản bội. Chúa chọn những người này để ở với Chúa, để được huấn luyện trước khi được sai đi. Một khi được chọn, Chúa sẽ huấn luyện và ban ơn để họ trở thành khí cụ sắc bén Chúa dùng để làm việc cho Ngài.

Sau khi đã chọn xong, Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các ông bằng những lời dạy dỗ và gương sáng của chính Ngài. Các ông phải hy sinh từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để đi theo Chúa và sống với nhau, học những lời giảng dạy của Ngài, trừ quỉ và chữa lành.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Sống chung với nhau là sẽ có xung đột. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết giá trị của hy sinh. Không có hy sinh, gia đình và cộng đoàn sẽ dễ dàng bị đổ vỡ và tất cả phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Chúng ta đã sống bằng sự hy sinh của rất nhiều người thì đến lượt chúng ta cũng phải hy sinh góp phần để phát triển gia đình, xã hội, và Nước Chúa.

- Cho dẫu không ai nhận ra những hy sinh của chúng ta trong cuộc đời này, vẫn còn Đấng thấu suốt mọi bí nhiệm nhận ra và trả công cho chúng ta xứng đáng.

- Chúng ta cần vâng lời những người Chúa chọn. Khi cần phải giải quyết xung đột, chúng ta nên mang vấn đề tới những đại diện của Giáo Hội thay vì kiện cáo nhau ở tòa án đời.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

1 nhận xét :

  1. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa,
    con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
    không có giờ đi vào sa mạc
    để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
    Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
    Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
    là con có thể tạo ra sa mạc.

    Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
    mà con đã bỏ mất :
    Khi chờ một người bạn,
    chờ đèn xanh ở ngã tư,
    chờ món hàng đang được gói.
    Khi lên cầu thang,
    khi đến nơi làm việc,
    khi kẹt xe,
    khi cúp điện bất ngờ.
    Thay vì bực bội hay nóng ruột
    con lại thấy mình sống an bình
    trong sự hiện diện của Chúa.

    Lạy Chúa,
    những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
    giúp con tỉnh thức
    để nhạy cảm với ý Chúa.

    Xin cho con yêu mến Chúa hơn
    để tìm ra những sa mạc mới
    và vui vẻ bước vào.
    (gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa