18 tháng 9, 2014

Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô

(12) Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Ki-tô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?
(13) Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy.
(14) Mà nếu Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.
(15) Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Ðức Ki-tô chỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Ðức Ki-tô chỗi dậy.
(16) Vì nếu kẻ chết không chỗi dậy, thì Ðức Ki-tô cũng đã không chỗi dậy.
(17) Mà nếu Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.
(18) Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Ðức Ki-tô cũng bị tiêu vong.
(19) Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
(20) Nhưng không phải thế! Ðức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. (I Cor 15, 12-20)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(1) Sau đó, Ðức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai
(2) và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Ðó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,
(3) bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8, 1-3)
 
 --------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm việc cho một mục đích

Tất cả các hành động có suy nghĩ của con người đều được làm cho một mục đích, ví dụ: học sinh đến trường để trau dồi kiến thức và để chuẩn bị kiếm việc làm mai sau. Toàn bộ cuộc sống của con người cũng thế, họ sống và hành động cho một mục đích. Đối với các tín hữu, mục đích của cuộc đời chính là sự sống lại đời sau. Thánh Phaolô nhấn mạnh mục đích này trong Bài đọc I. Nhóm Mười Hai và một số phụ nữ đi theo Chúa để giúp phần vào việc rao giảng Tin Mừng: nhóm Mười Hai trực tiếp rao giảng trong khi nhóm phụ nữ dùng của cải để giúp đỡ Chúa Giê-su và các môn đệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Niềm tin Phục Sinh

Có những người không tin chuyện kẻ chết sống lại trong cộng đoàn tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô nhắc nhở những người này trọng tâm của Tin Mừng mà ngài rao giảng là sự sống lại. Nếu Chúa Ki-tô không sống lại thì kẻ chết cũng không sống lại; và nếu kẻ chết không sống lại thì sẽ chẳng có cuộc sống đời sau. Nếu không có cuộc sống đời sau thì các tín hữu cần gì phải tin vào Thiên Chúa và giữ vác lời dạy dỗ của Ngài. Họ cứ việc sống như những Dân Ngoại: ăn uống thả cửa và hưởng thụ tối đa những gì thế gian dâng tặng.

Nhưng Chúa Ki-tô thực đã Phục Sinh. Thánh Phaolô tuy không được chứng kiến tận mắt “ngôi mộ trống,” hay những lần Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một sau khi Ngài sống lại; nhưng Ngài đã thấy tận mắt Chúa Ki-tô Phục Sinh khi ngã ngựa trên đường đi Damascus, đã nghe lời cảnh giác “khốn cho ngươi nếu cứ đưa chân đạp mũi nhọn,” và sứ vụ được chính Chúa trao ban làm Tông Đồ Dân Ngoại. Chính biến cố này đã làm thay đổi cả cuộc đời của ngài và là lý do tại sao ngài hăng say hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng.

Nếu Chúa Ki-tô không sống lại, thì đức tin của Phaolô và các tín hữu không có nền tảng và phải chịu nhiều hâu quả quan trọng. Hậu quả đầu tiên là con người vẫn còn sống trong tội lỗi của mình: Chúa chết là chết cho tội lỗi con người; nếu Chúa không sống lại thì sự chết vẫn còn thống trị con người. Hậu quả thứ hai là hy vọng của con người vào cuộc sống mai sau là hy vọng hão huyền và không có nền tảng. Hậu quả thứ ba là các tín hữu sẽ là những người dại dột so với Dân Ngoại; tại sao lại phải hy sinh giữ luật Chúa mà không tận hưởng tất cả những thú vui của thế gian dâng tặng nếu chỉ có cuộc sống đời này và chết là hết?

Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, Ngài mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

[2] Phúc Âm: Loan báo Tin Mừng là bổn phận của nhiều người.

Chúa Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài không đơn thân rao giảng, nhưng có hai nhóm cùng đi rao giảng với Ngài.

* Nhóm Mười Hai: là những người môn đệ thân tín và nòng cốt cho sứ vụ rao giảng. Các ông đi theo Chúa để học hỏi, để được Chúa huấn luyện, và để được Chúa sai đi. Các ông cũng sẽ tiếp tục làm những gì Chúa đang làm: chọn các môn đệ để dạy dỗ, để huấn luyện, và để sai đi.

* Nhóm phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Đó là (1) Bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (2) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, (3) bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Chúa Giê-su và Nhóm Mười Hai có khả năng để vừa rao giảng Tin Mừng vừa làm lụng nuôi thân; nhưng nếu làm như thế, họ sẽ còn rất ít thời giờ cho việc rao giảng. Hơn nữa, Chúa Giê-su muốn cho mọi người đều góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng.

Mỗi người đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng tùy theo khả năng của mình: Có người tận hiến cả cuộc đời để học hỏi và rao giảng Tin Mừng như nhóm Mười Hai. Có người tuy sống trong ơn gọi gia đình, nhưng vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng bằng cách giúp đỡ những người rao giảng về phương diện vật chất như nhóm phụ nữ đi theo Chúa hôm nay. Họ muốn Chúa Giê-su và các Tông Đồ có sức khỏe và thời gian để rao giảng Tin Mừng.

 --------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Trọng tâm của Tin Mừng và mục đích của cuộc đời là sự sống đời sau. Nếu Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại thì con người hy vọng sẽ cùng được sống lại để chung hưởng hạnh phúc với với Ngài. Mục đích này phải là lý do của mọi hành động của con người.

- Mỗi người đều có bổn phận đóng góp cho việc truyền giảng Tin Mừng theo khả năng Chúa ban cho. Trong thực tế, nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đã chân thành giúp đỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ vì họ muốn các ngài có sứ khỏe để làm việc cho Chúa. Nhiều nhà chuyên môn đã giúp các cha và các giáo xứ tài năng và thời giờ trong việc điều hành giáo xứ. Sau cùng, có rất nhiều các phụ nữ đã góp công của trong việc dọn dẹp, nấu ăn, và cung cấp những phương tiệc cần thiết cho những người rao giảng. Họ cũng là những người cung cấp cho Giáo Hội những nhà rao giảng qua việc sinh và nuôi dưỡng con cái. Tất cả đều mong cho Tin Mừng ngày càng lan rộng; và nếu họ đã đón tiếp những người rao giảng, họ hy vọng cũng sẽ được chung phần với phần thưởng Chúa ban cho những người rao giảng Tin Mừng cả đời này và đời sau như Chúa đã hứa.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,
    để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).
    Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy
    là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.
    Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.
    Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.
    Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.
    Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.
    Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,
    thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.
    Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.

    Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.
    Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.
    Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).
    Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).
    Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).
    Theo Tin Mừng Matthêô (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),
    chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh
    Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,
    nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).
    Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,
    để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).
    Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,
    từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
    Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.

    Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.
    Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.
    Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,
    trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.
    Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.
    Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).
    Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,
    vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).
    Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).
    Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.
    Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,
    và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.

    Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,
    chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.
    Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.
    Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.
    Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,
    dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.
    Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
    xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

    Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
    xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

    Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
    xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

    Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
    xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

    Lạy Chúa Ba Ngôi,
    Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
    xin cho các Kitô hữu chúng con
    trở thành tình yêu
    cho trái tim khô cằn của thế giới.

    Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
    biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
    biết quảng đại cho đi
    và khiêm nhường nhận lãnh.

    Lạy Ba Ngôi chí thánh,
    xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
    ở sâu thẳm lòng chúng con,
    và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa