4 tháng 11, 2014

Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê

(12) Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ.
(13) Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.
(14) Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng.
(15) Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời,
(16) là làm sáng tỏ Lời ban sự sống, để tôi được hiên ngang hãnh diện trong ngày Đức Ki-tô quang lâm, vì tôi đã không chạy uổng công và đã không lao nhọc vô ích.
(17) Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em.
(18) Anh em cũng vậy, anh em hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi. (Pl 2, 12-18)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(25) Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
(26) "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.
(27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
(28) "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?
(29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:
(30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.
(31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?
(32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.
(33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. (Lc 14, 25-33)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải suy nghĩ tính tóan trước khi làm quyết định theo Chúa.
          
Con người có khuynh hướng muốn bắt cá hai tay: vừa muốn những sự sung sướng thế gian vừa muốn đạt tới Nước Trời. Có một câu truyện về một em bé, khi được hỏi: Em muốn làm gì khi lớn lên? Em bé phân vân không biết trả lời làm sao. Khi được gạn hỏi kỹ hơn, em bé trả lời em vừa muốn làm thâu ngân để giữ tiền vừa muốn làm chị nữ tu để theo Chúa. Thái độ của em bé cũng là thái độ của nhiều người chúng ta; nhưng điều này đã được Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24). Bài đọc I là những lời khuyên thực tế Thánh Phaolô rút ra từ Bài Thánh Ca hôm qua: đi theo Chúa Giêsu là chấp nhận lối sống nên vinh quang của Ngài, lối sống vâng lời tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng thắn đặt điều kiện cho những người muốn đi theo Chúa: phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh/chị/em, cả mạng sống mình nữa, và vác thập giá mình. Con người phải cẩn thận suy nghĩ trước khi quyết định theo Ngài, để đừng bỏ dở nửa chừng mà mất cả chì lẫn chài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay nghi ngờ.

[1.1] Tự nguyện vâng phục Thiên Chúa: Giống như Đức Kitô đã hòan tòan tự nguyện vâng phục Thiên Chúa vì biết sự vâng phục sẽ làm trọn vẹn Mầu Nhiệm Cứu Độ; Thánh Phaolô cũng muốn các tín hữu Philipphê có một thái độ tự nguyện vâng phục như vậy. Sự vâng phục đặt nền tảng trên hiểu biết là nó sẽ giúp người vâng phục đạt tới ơn cứu độ; chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Đó là lý do tại sao ngài khuyên: “Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ.”

Hai ngày trước đây chúng ta đã bàn đến thần học về thân thể của Thánh Phaolô khi bắt đầu chương thứ hai này. Vì được liên kết vào một thân thể và Đức Kitô là Đầu, nên các chi thể đều được Đức Kitô hướng dẫn và cùng thấm nhuần một tình yêu mà Ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô có thể nói: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến lòng muốn cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.” Vì thế, sau khi đã hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ, các tín hữu hãy noi gương Đức Kitô, vâng lời làm mọi sự theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đừng than phiền hay nghi ngờ về Kế Họach của Ngài.
          
[1.2] Can đảm từ chối lối sống theo thế gian: Thánh Phaolô biết ngài không thể luôn ở với các tín hữu Philipphê để bảo vệ họ tránh khỏi những cám dỗ của thế gian, nên ngài cố gắng dạy dỗ để làm cho đức tin của họ thêm vững chắc. Ngài dạy họ 3 điều ở đây:

- Làm gương sáng giữa thế gian: Nếu họ để Đức Kitô là trọng tâm của cuộc sống và hành động theo những gì Ngài hướng dẫn, họ sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở thành những người con vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Một lối sống như thế giữa thế gian sẽ chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.

- Sống theo một mục đích: Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu của ngài biết rõ họ sống ở đời này để làm gì. Ngài đã vất vả lao nhọc để rao giảng Tin Mừng cho họ cũng là vì mục đích đó: làm sao cho Tin Mừng mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

- Chấp nhận mọi hy sinh gian khổ: Vì mục đích cứu độ mà ngài cũng như các tín hữu sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Ngài chia sẻ tâm tình với các tín hữu: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em.”

[2] Phúc Âm: Giá phải trả của những người đi theo Chúa

Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Jerusalem. Nhiều người hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc Rôma và khôi phục lại vương quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa Giêsu biết những gì họ suy nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem, nên Ngài quay lại và đưa ra 3 kiện cho họ:
          
[2.1] Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều kiện này bao gồm tất cả những gì con người sở hữu:

(1) Phải từ bỏ người thân: "Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Động từ Hy-Lạp dùng ở đây là mise,w có nghĩa là ghét, khinh thường, không quan tâm, hay không để ý tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn thận hơn: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa không dạy chúng ta phải ghét người thân như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải yêu thương họ nữa. Thánh Luca rất chú trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ, và “lương y như từ mẫu;” nhưng có lẽ Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người môn đệ không được đặt các người thân lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa họ và Thiên Chúa, con người phải chọn Thiên Chúa.

(2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn hy sinh mạng sống cho con người, các môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như thế.

(3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói tới ở đây là tất cả trái ý, gian khổ, bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương đầu với khi rao giảng Tin Mừng.
          
[2.2] Để dẫn chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định đi theo Chúa, ngài dùng 2 ví dụ cụ thể:

(1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho các công trình xây dựng, và phải có đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu đang xây nửa chừng mà hết tiền, nhà thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự án bị bỏ dở nửa chừng, và mọi người nhìn vào sẽ chê cười.

(2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một trong những yếu tố quyết định cho việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường gởi thám tử đi quan sát đối phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với lực lượng mình có. Nếu thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ phải gọi quân tiếp viện hoặc cầu hòa.

Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy xét cẩn thận 3 điều kiện của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được không. Nếu không đáp ứng được, không thể làm môn đệ của Chúa.

--------------------------------------------------------------------------------      
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không thể “bắt cá hai tay,” vừa muốn theo Chúa vừa muốn hưởng thụ tất cả những gì thế gian dâng tặng.

- Phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa đòi hỏi và tự vấn sức mình xem có theo được không. Một khi đã quyết định, nhất quyết theo tới cùng.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Sống là chấp nhận từ bỏ.
    Có những điều xấu phải từ bỏ
    như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc...
    Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:
    chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống...
    Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.
    Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.
    Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.
    Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
    Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.
    Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.
    Người mẹ “là mẹ hơn” qua những hy sinh vất vả.
    Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
    Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
    Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,
    chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,
    chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.
    Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.

    Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.
    Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
    Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,
    trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,
    trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
    Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,
    nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối
    khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
    Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.
    Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,
    đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
    Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.

    Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
    Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,
    chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
    Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
    Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pisa.
    Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
    Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
    Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày
    thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
    Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
    Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
    Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
    Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
    Cần từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
    Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,
    vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.

    Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
    Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
    Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
    dám bán tất cả để thấy mình giàu có.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa Giêsu,
    sống cho Chúa thật là điều khó.
    Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
    Chúa đòi con cho Chúa tất cả
    để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

    Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
    để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
    Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
    để cây đời con sinh thêm hoa trái.
    Chúa cương quyết chinh phục con
    cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

    Xin cho con dám ra khỏi mình,
    ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
    để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
    dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

    Ước gì con cảm nghiệm được rằng
    trước khi con tập sống cho Chúa
    và thuộc về Chúa
    thì Chúa đã sống cho con
    và thuộc về con từ lâu. Amen.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa