9 tháng 11, 2014

Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên

------------ BÀI ĐỌC I ------------
Lời Chúa trích trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi ông Ti-tô

(1) Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh,
(2) với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời.
(3) Vào đúng thời đúng buổi, Người đã biểu lộ lời Người trong lời rao giảng đã được giao phó cho tôi, theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.
(4) Tôi gửi lời thăm anh Ti-tô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta, ban cho anh ân sủng và bình an.
(5) Tôi đã để anh ở lại đảo Cơ-rê-ta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh.
(6) Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng.
(7) Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn;
(8) trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ;
(9) người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối. (Tt 1, 1-9)

------------ PHÚC ÂM ------------
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

(1) Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!
(2) Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.
(3) Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì hãy tha thứ cho nó.
(4) Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận," thì anh cũng phải tha cho nó."
(5) Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."
(6) Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em. (Lc 17, 1-6)

--------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm thế giới tốt hơn.

Sống trong một thế giới có quá nhiều gương xấu: tranh giành, ghen ghét, hận thù, bạo lực, chiến tranh, con người thường dễ có thái độ an phận tránh né hay phê bình chỉ trích. Người xưa dạy: “Thà thắp sáng một ngọn nến hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.” Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm thế giới tốt hơn bằng việc rao giảng Tin Mừng và bằng việc chọn lựa các nhà lãnh đạo tốt lành. Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những gì mình có thể làm cho thế giới đang sống tốt hơn: Bài đọc I tường thuật sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Phaolô và sứ vụ tổ chức lãnh đạo của Titô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cần tránh làm cớ cho người khác vấp phạm, phải sửa dạy, và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân; nhưng trên hết tất cả phải có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa Đấng có thể làm mọi sự, và vào sự có thể thay đổi của tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

[1] Bài đọc I: Rao giảng Tin Mừng và lãnh đạo giáo đòan.

Thư của Thánh Phaolô gởi cho cộng sự viên của ngài, Titô, cho chúng ta cái nhìn vào một trong những giáo đoàn các tín hữu đầu tiên tại Đảo Crête. Tuy việc rao giảng Tin Mừng để làm cho con người tin vào Đức Kitô là điều đầu tiên và quan trọng hơn cả; nhưng việc tổ chức giáo đòan để bảo vệ đức tin của các tín hữu giữa bao nhiêu cám dỗ nguy hiểm của ba thù là điều không kém phần quan trọng. Thánh Phaolô đã khôn ngoan nhìn nhận ra điều này nên đã cắt đặt các cộng sự viên như Timôthê và Titô, và đặt ra những điều kiện cần thiết để các ông lựa chọn các Kỳ-mục và Giám-quản để lãnh đạo các giáo đòan tại địa phương.

[1.1] Sứ vụ của Phaolô: Thánh Phaolô liệt kê 3 điều ngài phải làm cho các tín hữu:
(1) Trước tiên, đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin.
(2) Sau đó, phải hướng dẫn để họ nhận biết chân lý cho phù hợp với đạo thánh.
(3) Sau cùng, phải hướng dẫn họ biết sống làm sao để đạt được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời.

[1.2] Sứ vụ của Titô: Thánh Phaolô sớm nhận ra một mình ngài không thể chu tòan mọi công việc, mà phải cần đến sự cộng tác của nhiều người. Nhưng trước khi giao cho họ sứ vụ, ngài phải chọn và huấn luyện các cộng sự viên. Điều cần thiết nhất và trên hết là tất cả phải đều có một đức tin chung: tin Thiên Chúa là Cha và tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Chính đức tin chung này là động lực cần thiết để giúp xóa bỏ mọi khác biệt và cùng nhau làm việc để phát triển Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô lặp lại những gì ngài mong muốn Titô làm: “Tôi đã để anh ở lại Đảo Crête, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh.” Ngài thiết lập các điều kiện cần thiết để lựa chọn hai giới lãnh đạo trong giáo đòan:
(1) Kỳ-mục (presbusteros = lớn tuổi): Cũng giống như truyền thống Do-Thái, những người lớn tuổi được chọn trong dân là một thành phần của Ban Lãnh Đạo. “Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo, và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng.” Vì Kỳ-mục là người sống giữa dân, nên đức tin và tư cách của họ và gia đình sẽ được mọi người chung quanh quan sát: Nếu họ không tu thân tề gia trước, làm sao họ có thể hướng dẫn người khác?
(2) Giám-quản (episkopos = giám mục, người đứng đầu): là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước Hội-Thánh về giáo đòan địa phương. Vì đây là chức vụ địa phương quan trọng, nên Thánh Phaolô không những ra điều kiện về những tật xấu không nên có, mà còn những đức tính phải có khi lựa chọn Giám-quản:
- không có các thói quen xấu: phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn.
- phải có những đức tính tốt: phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ. Người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý: để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.

[2] Phúc Âm: Đời sống đạo của người Kitô hữu

Trình thuật hôm nay đưa ra 3 điều liên quan đến đời sống của Kitô hữu, mỗi điều tóm gọn trong 2 câu:

[2.1] Cớ làm cho người ta vấp ngã: Tiếng Hy-Lạp dùng chữ cớ làm cho người ta vấp ngã, skandalon. Từ ngữ này có 3 ý nghĩa:
(1) cái bẫy: để bắt chuột, cái đinh trên đường để làm nổ bánh xe người khác;
(2) nguyên nhân cho tội: các sòng bài, tửu lầu, nhà chứa, websites xấu, nói hành, nói chơi giỡn; ngay cả Thập Giá của Chúa Giêsu cũng là nguyên nhân cho tội nơi những người không tin;
(3) người làm cho người khác sa ngã: khách đưa đường, người mặc quần áo khêu gợi, khinh thường trẻ nhỏ … Chúa Giêsu gọi Phêrô là Satan vì ông trở thành cớ cho Chúa phạm tội.

Không có lửa thì làm sao có khói! Không có cớ thì sẽ không có tội. Không thể không có cớ làm con người sa ngã trong thế giới; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người khác vấp ngã. Những người làm cớ cho các trẻ nhỏ phạm tội nặng hơn vì chúng chưa đủ trí khôn để suy nghĩ tốt xấu. Đối với hạng người này, cần buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển cho chết.

[2.2] Sửa lỗi và tha thứ: Trình thuật của Matthêu về 2 đề tài này rõ ràng hơn (x/c Mt 18:15, 21-22). Trong Luca, 2 đề tài được tóm gọn lại trong 2 câu: (1) Phải sửa lỗi trước và tha thứ nếu ăn năn: Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì hãy tha thứ cho nó.” (2) Phải luôn luôn tha thứ: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó.”

[2.3] Sức mạnh của đức tin: Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con," vì không dễ để tránh làm cớ cho người khác phạm tội và không dễ để luôn tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Thái độ tin tưởng cần thiết để ra tay làm việc: nếu không có thái độ này, sẽ không thể hòan tất bất cứ điều gì. Thiên Chúa không truyền cho con người làm điều không thể: Nếu con người tin nơi Thiên Chúa, họ có thể làm những chuyện không ngờ; vì không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh những điều này: các phép lạ thực sự xảy ra.

--------------------------------------------------------------------------------
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin mình có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn: (1) bằng việc rao giảng Tin Mừng hay bằng việc cắt cử những nhà lãnh đạo tốt lành; hay (2): tạo môi trường sống lành mạnh: dạy cho mọi người biết làm gương sáng, tránh gương mù, sửa dạy, và tha thứ cho nhau.

************
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
************

copied from loinhapthe.com

2 nhận xét :

  1. [SUY NIỆM]

    Thỉnh thoảng báo chí lại nói đến một chuyện không hay nào đó
    bị coi là gây sốc hay phản cảm.
    Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan.
    Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon)
    để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9),
    hay một duyên cớ khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41).

    Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan.
    Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng
    về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu.
    Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1).
    Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó.
    Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi
    thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội
    cho một trong những kẻ bé nhỏ này (c. 2).
    Những kẻ bé nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa.

    Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người.
    Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng
    với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội.
    Ngài muốn bảo vệ những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh.
    Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ,
    khiến họ mất đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
    Trong bài diễn từ cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô,
    thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên,
    “giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30).

    Làm cớ cho người khác phạm tội
    là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú.
    Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng.
    Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý
    đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm
    của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn,
    cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13).
    Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô.
    Không thể vì tự do của tôi mà làm mất một người anh em
    đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11).

    Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay,
    cái tốt và cái xấu được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng.
    Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết.
    Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn,
    khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề.
    Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây?
    Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã?
    Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai
    khi tiếp thu đủ thứ thông tin từ mọi nguồn.

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa
  2. [LỜI CẦU NGUYỆN]

    Lạy Chúa,
    việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
    để khi thấy con, người ta phải nói:
    “vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”.
    Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
    con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
    “Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
    Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
    “Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!”
    (Chân phước Charles Foucauld)

    ************
    Viết bởi LM. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
    ************

    copied from hdgmvietnam.org

    Trả lờiXóa